House Foods Việt Nam thành lập vào năm 2012. Từ năm 2018, đã tung ra một sản phẩm thương mại là “Java Curry” và bắt đầu xuất khẩu. Giám đốc Nakatani cho biết ông muốn truyền bá rộng rãi món “cà ri Nhật Bản” và mong mọi người Việt Nam được vui vẻ bên gia đình.
Bán sản phẩm cà ri từ năm 2018
―― Vui lòng cho chúng tôi biết về hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của House Foods.
Nakatani: Đang chia ra thành ba khu vực chính: Mỹ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Đặc trưng là mỗi khu vực có sản phẩm chủ lực khác nhau, ví dụ như ở Mỹ là đậu hũ.
Chúng tôi bắt đầu vào năm 1983 với mong muốn truyền bá rộng rãi văn hóa ẩm thực Nhật Bản, nhưng vào thời điểm đó vấp phải những ấn tượng tiêu cực về việc đậu nành dùng làm thức ăn cho gia súc, nên đã liên tục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nhận thức về sức khỏe và môi trường ngày càng tăng, đậu hủ hiện đang được chú ý đến như một loại protein thực vật chất lượng cao, theo đó thị trường được mở rộng và ổn định hơn, chúng tôi hiện đang có thị phần đứng đầu tại Mỹ.
Tại Trung Quốc, chúng tôi đang phát triển công việc kinh doanh tập trung vào cà ri, với khẩu hiệu “Món cà ri Nhật Bản dành cho tất cả mọi người!”. Năm 1997, chúng tôi tham gia thị trường với tư cách là một nhà hàng cà ri để nâng cao mức độ nhận diện, tiếp đó đã bán Hyakumuta Curry (Vermont Curry), thương hiệu hàng đầu của chúng tôi tại Nhật Bản. Hiện nay, cà ri Nhật Bản đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc, được cả doanh nghiệp và hộ gia đình tiêu thụ mạnh.
Ở Đông Nam Á, chúng tôi đã vào Thái Lan vào năm 2011. Tại Thái Lan có món cà ri của người Thái và văn hóa ăn uống ngoài hàng quán. Chúng tôi nhận định rằng sẽ rất khó để thuyết phục người Thái ăn cà ri Nhật Bản ở nhà, nên đã bán sản phẩm nước uống vitamin C-vit ( ở Nhật Bản là C1000). Một lý do chính khác là việc sử dụng kênh bán hàng là các cửa hàng tiện lợi rất phổ biến. Hoạt động kinh doanh tại đây cũng rất tốt, doanh số đã vượt qua Nhật Bản.
―― Công ty ông vào Việt Nam năm 2012 phải không?
Nakatani: Đúng vậy. Chúng tôi đã bán sản phẩm từ năm 2013. Có rất nhiều thực phẩm đã qua chế biến dạng bột trên thị trường, để những gia đình có trẻ nhỏ có thể dễ dàng làm bằng tay và ăn, chúng tôi đã bắt đầu với các sản phẩm tráng miệng như “Purinmix” và “Sherbic” mà không phải là cà ri.
Nhắc đến cà ri, phải kể đến cà ri Thái và Ấn Độ với ấn tượng mạnh là sự cay nồng, còn cà ri Việt Nam được nấu với nước cốt dừa và ăn cùng bánh mì nên lúc đó mọi người có cảm giác ngán với cơm cà ri Nhật Bản.
Sau đó, vào tháng 1 năm 2018 cuối cùng chúng tôi đã bán “Java Curry”, loại cà ri roux chuyên dụng cho kinh doanh nhà hàng. Cùng với sự phát triển kinh tế, pizza, mì Nhật (ramen), sushi, v.v.,trở thành những món ăn phổ biến, chúng tôi đã quyết định hợp tác để tạo ra một thị trường cà ri với sự ra đời của cửa hàng Curry house CoCo Ichibanya.
Thực ra, tôi cũng phụ trách mảng kinh doanh Việt Nam tại Nhật Bản, tôi cũng thích cà ri, thích đến nỗi muốn vào làm tại House Foods (cười). Có lẽ vì vậy mà tôi đã được chuyển đến Việt Nam vào thời điểm đó.
―― Cà ri do chính công ty ông sản xuất phải không?
Nakatani: Đúng vậy. Purinmix và những sản phẩm tương tự khác cũng được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Đồng Nai. Cà ri có sự pha trộn hương vị kỹ lưỡng, ví dụ như nghệ, là chìa khóa của bột cà ri, nghệ Ấn Độ và nghệ Trung Quốc rất khác nhau, và các loại gia vị khác cũng có hương vị tinh tế khác nhau tùy thuộc vào xuất xứ sản phẩm. Vì lý do đó, nhiều nguyên liệu được nhập khẩu nhưng tôi muốn nội địa hóa dần.
Vì là sản phẩm chuyên dụng trong kinh doanh nhà hàng, nên khách hàng chủ yếu là các nhà hàng Nhật Bản và các nhà hàng bán món Nhật tại đây. Về cơ bản, mỗi gói nặng 1kg cho 50 phần ăn, và gần đây chúng tôi đã bắt đầu bán thử gói 200g. Tôi muốn sớm bán cà ri chuyên dụng dành cho các gia đình. Tôi hiện đang tập trung vào mục tiêu này.
Giai đoạn đầu là cần để người Việt Nam biết đến món cà ri Nhật Bản. Vì lý do đó, chúng tôi đã tổ chức các sự kiện nếm thử tại các siêu thị và trưng bày sản phẩm tại các triển lãm lớn của các công ty Nhật Bản, nhưng hiện nay các hoạt động này bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Corona.
Vì vậy, chúng tôi dự định khởi động xe bếp từ tháng 9. Chúng tôi sẽ bán cơm cà ri và bánh mì cà ri tại các công viên, trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Vì đây là một hoạt động bình dân, nên giá sẽ rẻ và hương vị tất nhiên là cà ri Nhật Bản.
Ngoài ra, chúng tôi còn bán riêng nước sốt cà ri đông lạnh do công ty sản xuất. Có loại được hầm kỹ từ thịt bò Mỹ cao cấp, loại cà ri gà vị ngọt dành cho trẻ em, v.v. Loại nào cũng đều có sự thơm ngon của hành tây được xào kỹ trong 2 giờ, mọi người nhất định phải nếm thử.
Xuất khẩu hương vị phù hợp với từng quốc gia
―― Doanh thu của cà ri có tốt không?
Nakatani: Mặc dù đã tăng gấp đôi nhưng con số ở Việt Nam vẫn chưa lớn. Chúng tôi cũng bắt đầu xuất khẩu để đảm bảo cho hoạt động sản xuất của mình. Mô hình kinh doanh của chúng tôi ở Nhật Bản chủ yếu là bán hàng tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác cũng vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng các cửa hàng này không tăng nhiều như mong đợi, đó là lý do chúng tôi bắt đầu xuất khẩu.
Các điểm đến xuất khẩu ở phía bắc ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines, Campuchia và một số nước khác Anh, Đài Loan.v.v. Mặc dù cũng xuất khẩu từ Nhật, nhưng nhà máy Việt Nam có điểm mạnh là sản xuất với số lượng ít theo nhu cầu của từng quốc gia.
Ví dụ, theo góc nhìn của người Nhật, sản phẩm dành cho Thái Lan phải cay, ngược lại cho Philippines phải rất ngọt. Ngoài ra, sản phẩm dành cho Đài Loan phải là “thực phẩm chay” phù hợp với những người theo chủ nghĩa ăn chay, không sử dụng hành, tỏi, hoặc các sản phẩm từ sữa.
―― Phải định nghĩa như thế nào về “cà ri Nhật Bản” mà lúc nãy đã đề cập đến? Mặc dù có thể biết được qua vị giác.
Nakatani: Không có định nghĩa rõ ràng, nhưng một trong các điểm nổi bật là sử dụng bột mì. Về cơ bản, bột mì không được sử dụng trong cà ri Ấn Độ và Thái Lan. Hơn nữa, ở Nhật Bản, “Ruu” dùng để chỉ nước sốt và các thành phần của nước sốt, từ nguyên gốc là “Roux” trong tiếng Pháp, có nghĩa là nước sốt được nấu từ bột mì và chất béo như dầu, mỡ.
Một trong những đặc trưng là các loại rau củ như khoai tây, hành tây, cà rốt,v.v. thường được dùng làm nguyên liệu. Món cà ri phổ biến ở Nhật Bản từ thời hậu chiến, có lẽ lúc đó vẫn còn nghèo, rau rẻ hơn thịt nên được sử dụng nhiều. Tôi nghĩ rằng món cà ri Nhật Bản đang được sử dụng rộng rãi tại các gia đình Nhật Bản là kết quả của sự kết hợp của cà ri phương Tây và món “thịt hầm khoai tây” truyền thống của Nhật.
―― Nó khác với kiểu Việt Nam nhỉ?
Nakatani: Cà ri Nhật Bản sử dụng bột mì, thịt và rau, ăn với cơm. Ở Việt Nam, nước cốt dừa được dùng chủ đạo, không dùng bột mì, mà được ăn kèm với bánh mì.
Vì vậy, sẽ cần thời gian để làm quen với phong cách Nhật Bản và tôi nghĩ làm thế nào để dung hợp với phong cách và văn hóa ẩm thực Việt Nam là chìa khóa để thâm nhập vào thực đơn. Trong tương lai gần cả gia đình cùng nhau ăn món cà ri handmade kiểu Nhật, các bé khen ngon và xin ăn thêm nữa. Tôi muốn tạo nên nhiều khung cảnh hạnh phúc như thế này ở Việt Nam.