Ngoài bán nhạc cụ và thiết bị âm thanh, Yamaha Music Việt Nam còn khai giảng lớp học âm nhạc từ năm nay. Cùng với các bộ ngành và cơ sở giáo dục Việt Nam hỗ trợ giáo dục âm nhạc. Hãy cùng trò chuyện với Giám đốc Makoto Tani – cũng là một nghệ sĩ biểu diễn đàn tranh.
Nhiều lĩnh vực kinh doanh tập trung vào âm nhạc
―― Công ty của ông là công ty con bán hàng của Yamaha phải không?
Tani: Vâng. Yamaha có 19 công ty con bán hàng trên khắp thế giới và công ty trẻ nhất là công ty của chúng tôi, được thành lập vào năm 2013. Ba thị trường tiêu thụ nhạc cụ chính trên thế giới là Châu Âu – nơi bắt nguồn của nền văn hóa âm nhạc, Mỹ – nơi giáo dục âm nhạc phát triển mạnh sau Thế chiến thứ nhất và Nhật Bản – nơi có các câu lạc bộ âm nhạc ở trường học. Tuy không phải là môn học thiết yếu nhưng trình độ thuộc hàng cao trên thế giới, phương pháp giáo dục của Nhật Bản thậm chí được Châu Âu, Mỹ đến tìm hiểu.
Và hiện nay, nhiều quốc gia trong khối ASEAN đang tập trung vào giáo dục âm nhạc, đây là những thị trường đang được chú trọng trong thời gian tới, bao gồm cả Việt Nam. Yamaha cũng có các công ty bán hàng ở Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan (không liên kết).
―― Những loại nhạc cụ nào đang được bán ở Việt Nam?
Tani: Hầu hết là các loại đàn phím, và sự ưa chuộng không đổi là đàn phím điện tử. Có mấy loại, nhưng loại đặc trưng được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là Digital workstation (máy trạm kỹ thuật số) , chỉ cần có 1 chiếc này là có ngay cả một dàn nhạc đệm. Là một nhạc cụ chuyên nghiệp chơi tại các sự kiện như đám cưới, tiệc tùng, karaoke, v.v.
Synthesizer (máy tổng hợp) là xu hướng chủ đạo của các nhạc sĩ ở Nhật Bản và các nước Âu Mỹ nhưng ở Việt Nam, Digital workstation duy trì xu hướng áp đảo. Doanh số bán máy Synthesizer đã tăng trưởng hai con số cùng với sự thay đổi trong thị hiếu âm nhạc của nhiều người trẻ và chúng tôi đang kỳ vọng vào thị trường tương lai. Có nhiều mức giá, nhưng Digital workstation và Synthesizer có giá khoảng 150.000 yên rất được ưa chuộng.
Cuối cùng là loại keyboard, một trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Giá rẻ khoảng 10.000 đến 50.000 yên, và mặt hàng này cũng được bán rất mạnh. Ngoài ra, số lượng đàn piano kỹ thuật số được sử dụng cho các lớp học âm nhạc và cho trẻ con học đang tăng lên đáng kể. Chúng tôi đang sản xuất tại Indonesia, nhưng việc sản xuất không theo kịp nhu cầu của thị trường Việt Nam, nơi mà sự phục hồi phục sau dịch Corona nhanh hơn dự đoán.
Xu hướng chính ở các nước phất triển là đàn piano kỹ thuật số – loại keyboard không tốn nhiều diện tích, nhưng ở Việt Nam, loại đàn có chân dạng capinet được ưa chuộng hơn, và phần lớn các trường hợp dễ thấy là tầng lớp trung lưu nhiệt huyết với giáo dục hay mua cho con em họ.
―― Ngoài đàn phím, các nhạc cụ khác có bán chạy không?
Tani: Số lượng nhạc cụ dây và nhạc cụ hơi bán ra còn ít và tôi cho rằng vẫn chưa có nền tảng thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam là một vương quốc guitar, có rất nhiều nhà sản xuất trong nước và thợ thủ công làm bằng tay. Giá từ khoảng 5.000 yên, trong khi các sản phẩm của Yamaha giá từ khoảng 15.000 yên, nên có thể thấy rằng giá rất rẻ.
Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là tầng lớp trung lưu trở lên và các loại đàn phím chiếm 60% doanh số, nhưng đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi lại là Yamaha. Điều này là do những cây đàn piano điện và đàn piano acoustic của Yamaha những năm 1970 và 1980 đã qua sử dụng ở Nhật Bản được mua với giá rẻ và nhập khẩu về bán ở Việt Nam, nơi có nhu cầu giáo dục cao. Việt Nam có một thị trường tiêu thụ đồ cũ rất lớn nên đây là một đối thủ đáng gờm (cười).
―― Lĩnh vực kinh doanh khác của công ty ông là gì?
Tani: Trước tiên, chúng tôi bán thiết bị âm thanh, bao gồm âm thanh chuyên nghiệp và âm thanh cho gia đình. Đối với thiết bị âm thanh chuyên nghiệp, có các loại như mixer, loa,.v.v, được dùng cho các tòa nhà, quán cà phê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hay các công ty chuyên cho thuê lại, v.v. Với loại này cần phải có kiến thức và kỹ thuật để tạo ra âm thanh nên chủ yếu sẽ do các kỹ sư điều chỉnh. Thiết bị âm thanh cho gia đình có các dòng tai nghe và loa cho người dùng cá nhân hay thiết bị cho các phòng hát (theater room) của những gia đình giàu có.
Ngoài ra, chúng tôi đã mở một phòng trưng bày tại Aeon Mall Tân Phú Celadon vào năm ngoái, và từ tháng 7 năm nay chúng tôi đã mở lớp dạy nhạc “Yamaha Music School” tại đây. Có 7 khóa học như: piano, violin, vocal, trống, v.v., đa phần học một giờ/buổi/tuần. Khóa học dành cho trẻ em từ 4 tuổi vốn phổ biến ở Nhật Bản cũng được dịch sang tiếng Việt và đang triển khai.
Có tất cả khoảng 150 học viên, chủ yếu từ lớp 1 đến lớp 5 tiểu học, phần nhiều là tiết học nhóm cho trẻ em và tiết học cá nhân cho người lớn. Do ảnh hưởng của dịch Corona, các lớp học trực tuyến ngày càng nhiều, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng có tham gia học.
Có khoảng 15 giáo viên người Việt Nam. Khi bắt đầu chuẩn bị từ năm ngoái chúng tôi đã mời các giảng viên từ Nhật Bản sang đào tạo trong khoảng nửa năm, và “giáo viên nồng cốt” cũng được đưa đi đào tạo ở Nhật Bản. Mục tiêu hiện tại của tôi là bồi dưỡng họ một cách chuyên nghiệp, nếu không sẽ không có được sự chuyên nghiệp của một người chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, nhận thức xã hội của các giáo viên âm nhạc chưa phát triển, vì vậy việc làm sao để nâng cao hơn cũng là việc của tôi.
Thâm nhập giáo dục nhạc cụ vào Việt Nam
―― Đã có sự hợp tác giáo dục âm nhạc Việt Nam từ trước.
Tani: Yamaha đã truyền bá “giáo dục nhạc cụ” bằng cách biểu diễn và dạy nhạc trên toàn thế giới và đã bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 2016. Một trong số đó là giáo dục nhạc cụ sáo.
Theo đó, chúng tôi tổ chức các buổi hội thảo dành cho giáo viên âm nhạc cấp tiểu học và trung học cơ sở, và hiện nay đã lan tỏa đến 275 trường học ở 10 tỉnh thành. Chúng tôi mời hai nhân lực cốt cán của mỗi trường để đào tạo về sáo, và từ năm sau họ sẽ trở thành giáo viên và bắt đầu các lớp dạy nhạc cụ sáo. Ngoài ra, với sự hợp tác của JETRO, chúng tôi đang triển khai chương trình bồi dưỡng cho sinh viên các khóa học nghiệp vụ giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, góp phần đạt được các mục tiêu của SDGs (các mục tiêu phát triển bền vững).
Một việc khác nữa là cải cách lớn sách giáo khoa âm nhạc, và sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 tiểu học đã thay đổi kể từ tháng 9 năm nay. Yamaha đã mời nhà biên soạn giáo trình viết sách giáo khoa sang Nhật Bản để trao đổi ý kiến và lời khuyên từ các nhà xuất bản sách giáo khoa Nhật Bản về cách làm tài liệu giảng dạy.
Trong các lớp âm nhạc lúc trước, có nhiều bài hát với sự đệm đàn của giáo viên và các bài giảng về các yếu tố âm nhạc, nhưng từ nay chúng tôi sẽ sử dụng các nhạc cụ như nhạc cụ zum (nhịp điệu), sáo, pianica, v.v. để học về trải nghiệm giai điệu và hòa âm.
Dự định sẽ thay mới dần sách giáo khoa ở các lớp khác, tuy nhiên nội dung sẽ thay đổi đáng kể so với trước đây, bao gồm cả sáo. Tôi nghĩ để các giáo viên âm nhạc ở các trường lĩnh hội và giảng dạy được thì phải mất khoảng 3 đến 4 năm.
―― Hãy cho chúng tôi biết những dự định và kế hoạch sắp tới của công ty ông.
Tani: Tôi muốn gia tăng lượng người thưởng thức âm nhạc và khơi dậy nhu cầu của họ. Một là giáo dục âm nhạc trong giáo dục công lập như đã nói ở trên. Hai là đối với nhu cầu giáo dục của tầng lớp trung lưu, đang tiến hành mở các lớp học âm nhạc như kế hoạch ban đầu, nhưng tôi muốn nhượng quyền thương mại trong tương lai. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy các lớp học trực tuyến.
Ba là thực hiện các hoạt động gia tăng touch point (điểm chạm) của khách hàng với nhạc cụ. Rất khó để biết được sự khác nhau và điểm tốt của nhạc cụ nếu bạn không thử chúng, đó là lý do tại sao chúng tôi tạo ra phòng trưng bày, nơi bạn có thể chạm vào nhạc cụ và thiết bị một cách thực tế. Từ trước đến nay, chúng tôi chủ yếu bán đại lý, và chúng tôi có khoảng 60 cửa hàng trên toàn quốc bao gồm cả nhạc cụ và thiết bị âm thanh. Tôi muốn truyền niềm vui âm nhạc đến khách hàng thông qua dịch vụ khách hàng, chẳng hạn như bằng cách cử một nhân viên kinh doanh có thể tư vấn ở đây. Tôi cũng muốn cải thiện chất lượng của toàn bộ mảng kinh doanh nhạc cụ và âm thanh.