Văn phòng đại diện Hokuriku Bank Hồ Chí Minh khai trương vào tháng 12 năm 2021. Ngoài việc hỗ trợ các công ty có trụ sở ở ba tỉnh thuộc Hokuriku cùng với Hokkaido, còn nhận ủy thác Support Desk từ tỉnh Toyama, nơi có công ty mẹ. Giám đốc Taichi Yamada, người phụ trách việc mở văn phòng tại Hồ Chí Minh phát biểu.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây.
―― Hãy cho chúng tôi biết lý do đầu tư sang Việt Nam.
Yamada:Điều này là do số lượng công ty khách hàng của ngân hàng chúng tôi đầu tư sang Việt Nam tăng lên đều đặn. Có khoảng 80 công ty khách hàng ở ba tỉnh thuộc Hokuriku là tỉnh Toyama- nơi Hokuriku Bank đặt trụ sở, tỉnh Ishikawa và tỉnh Fukui, cùng với Hokkaido, có khoảng 70% khách hàng thuộc ngành sản xuất. Ngoài ra còn có khách hàng từ các chi nhánh ở các khu vực khác như: Tokyo, Osaka, tỉnh Aichi,v.v. với tổng số lượng là khoảng 210 công ty.
Có 140 công ty đầu tư ở miền Nam Việt Nam, 65 công ty ở miền Bắc và 5 công ty ở miền Trung, các công ty vừa và nhỏ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là sản xuất đang hoạt động ở miền Nam. Chúng tôi muốn giúp đỡ họ, dù chỉ một chút, nên đã mở văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hokuriku Bank có tổng cộng 6 văn phòng đại diện ở nước ngoài, tính thêm New York, Thượng Hải, Đại Liên, Bangkok, Singapore.
―― Có tiêu chuẩn nào để quyết định nên đầu tư sang quốc gia nào không?
Yamada:Nhiều khách hàng của chúng tôi đang thực hiện một số loại hình kinh doanh liên quan đến nước ngoài và đã đầu tư ra nước ngoài. Càng nhiều khách hàng đầu tư ra nước ngoài thì càng có nhiều khả năng cung cấp một số hình thức hỗ trợ khách hàng giữa Nhật Bản và nước đó.
Đối với Việt Nam, trước dịch Covid-19 đầu tư đã tăng lên đều đặn. Lúc đó tôi đang làm việc tại bộ phận International planning (Kế hoạch quốc tế) ở trụ sở chính, tôi muốn mở văn phòng đại diện và làm việc tại Việt Nam. Sau nhiều lần nộp hồ sơ, cuối cùng tôi đã nhận được sự chấp thuận của nội bộ công ty.
Từ các dữ liệu thấy được rõ ràng tiềm năng của Việt Nam. Để nắm bắt xu hướng của các đối tác có công ty con tại nước ngoài, Ngân hàng Chính sách Tài chính Nhật Bản hàng năm công bố “Khảo sát tình hình kinh doanh của công ty con nước ngoài của khách hàng”.
Vì đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên xem như là một chỉ tiêu, trong phần trả lời của câu “Các quốc gia và khu vực tiềm năng trong khoảng ba năm tới” (khảo sát tháng 1 năm 2024), Việt Nam đã đứng vị trí đầu trong 10 năm liên tiếp.
―― Hãy cho chúng tôi biết về nội dung nghiệp vụ.
Yamada:Đầu tiên là hỗ trợ khách hàng Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam như: khởi nghiệp, xây dựng nhà máy tại Việt Nam,v.v.
Thứ hai là hỗ trợ phát triển kinh doanh cho khoảng 210 công ty khách hàng. Chúng tôi giúp mở rộng các kênh bán hàng, xem xét các nhà cung cấp,v.v.
Thứ ba là kết nối kinh doanh nhằm kết nối khách hàng Nhật Bản với các công ty Việt Nam. Chúng tôi đáp ứng các nhu cầu như bán sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản tại thị trường Việt Nam và thu mua nguyên liệu từ Việt Nam. Gần đây, tôi cảm thấy ngày càng có nhiều công ty mở rộng sang thị trường nội địa Việt Nam.
Thứ tư là cung cấp thông tin về kinh tế, tài chính, ngành công nghiệp,v.v. của Việt Nam. Điều này bao gồm việc tổ chức các cuộc hội thảo cho các đối tác kinh doanh, đóng góp, thuyết trình,v.v.
Ngoài ra, trụ sở chính của chúng tôi còn được tỉnh Toyama ủy thác vận hành Ho Chi Minh Business Support Desk của tỉnh Toyama. Chúng tôi cũng hỗ trợ tư vấn cho các công ty không hợp tác kinh doanh với Hokuriku Bank, có trụ sở chính hoặc văn phòng tại Tỉnh Toyama và có liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
―― Ông có thể cho ví dụ cụ thể không?
Yamada:Ví dụ như chúng tôi hỗ trợ các công ty may mặc mở rộng kinh doanh. Để bán các sản phẩm Nhật Bản chất lượng cao tại thị trường Việt Nam, nên đã thành lập công ty bán hàng tại đây. Chúng tôi thực hiện hỗ trợ như: tư vấn đầu tư, lên lịch hẹn với các công ty mục tiêu, sắp xếp tham quan và tìm hiểu các công ty địa phương, giới thiệu các chuyên gia bên ngoài,v.v.
Ngoài ra, cũng có trường hợp ủy thác gia công sản xuất cho các công ty sản xuất Việt Nam, sau đó thành lập công ty có vai trò như một công ty thương mại tại đây để xuất khẩu sang Nhật Bản. Chúng tôi đã tham gia và hỗ trợ trong toàn bộ quá trình từ việc giới thiệu doanh nghiệp Việt Nam, tham quan và tìm hiểu địa phương, làm mẫu thử, đứng ra kiểm tra sản phẩm hoàn chỉnh, cho đến việc giới thiệu công ty xuất nhập khẩu.
Đối với các khách hàng có nhu cầu chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam, chúng tôi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bao gồm giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam, sắp xếp tham quan, tìm hiểu các công ty địa phương, hỗ trợ lấy báo giá, giới thiệu các công ty xuất nhập khẩu,v.v.
Chúng tôi cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ đa dạng, bao gồm cả việc giới thiệu các doanh nghiệp địa phương cho khách hàng muốn kinh doanh trái cây Việt Nam,v.v.
Những điều nhận thấy khi quan sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ
―― Ông còn nhận thấy điều gì khác từ xu hướng gần đây không?
Yamada:Từ khóa ngày nay là “nguồn nhân lực”. Nhu cầu tuyển dụng người Việt đang rất lớn do nguồn nhân lực ở Nhật Bản đang thiếu hụt. Đặc biệt, việc tuyển dụng các kỹ sư và nhân sự có chuyên môn cao người Việt Nam đang trở nên sôi động.
Có dữ liệu cho thấy rào cản ngôn ngữ tiếng Nhật là một thách thức lớn đối với người nước ngoài khi làm việc tại Nhật, do đó chúng tôi đã chọn lọc các công ty giới thiệu việc làm, có trường học tiếng Nhật đi kèm và đặc biệt chú trọng đến đào tạo tiếng Nhật, để giới thiệu cho khách hàng của mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp các dự án cần người gấp trong tháng này và không có thời gian chờ đợi, khả năng tuyển dụng được nhân sự ưu tú sẽ không cao do không thể đảm bảo thời gian tuyển dụng từ phía công ty giới thiệu.
Nếu có thể chia sẻ thông tin về kế hoạch tuyển dụng của công ty mình với công ty giới thiệu từ trước và tiến hành các hoạt động tuyển dụng trung dài hạn, khả năng thu hút được nguồn nhân lực ưu tú sẽ tăng lên.
Hiện nay, nhiều chuỗi nhà hàng đối tác của chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng sang Việt Nam. Mục đích không chỉ là khai thác thị trường Việt Nam mà còn để đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam ưu tú. Trong tương lai, sẽ sử dụng chế độ lưu trú với tư cách “chuyển công tác nội bộ” để bố trí những nhân sự này vào vị trí quản lý làm việc tại Nhật.
Gần đây, số dự án đầu tư mới thuộc ngành sản xuất tại công ty chúng tôi đã có xu hướng giảm. Mặc dù Việt Nam có lợi thế về chi phí nhân công thấp hơn so với Trung Quốc và Thái Lan, nhưng vấn đề đáng lo nghĩ là tỷ lệ nội địa hóa thấp. Do đó, chi phí mua hàng cao, dẫn đến môi trường kinh doanh ngày càng khó kiếm được lợi nhuận với những lô hàng nhỏ.
Tất nhiên, cũng bị ảnh hưởng bởi việc đồng Yên mất giá gần đây. Chi phí nhân công và giá đất ở các vùng lân cận các thành phố đang tăng lên từng năm, tổng chi phí sản xuất đang có xu hướng tăng lên. Về phần các công ty không liên quan đến trao đổi hàng hóa thuộc các lĩnh vực như thiết kế, IT, v.v.thì đang tăng lên đều đặn.
Tôi cũng lo ngại về vấn đề quản trị của các công ty con tại đây. Vì trụ sở chính ở Nhật không nắm rõ thực trạng của công ty con địa phương, nên có trường hợp khi tiến hành điều tra hay kiểm tra nào đó mà phát hiện ra sự gian lận của công ty con này. Tôi nghĩ rằng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mang rủi ro tiềm ẩn như vậy.
Biện pháp phòng ngừa là chúng tôi khuyến nghị thuê các chuyên gia địa phương để kiểm tra định kỳ.
―― Sau cùng, ông có điều gì muốn xúc tiến từ bây giờ không?
Yamada:Khi đang ở Việt Nam và có thể xử lý nhiều vấn đề khác nhau, tôi muốn quảng bá cho văn phòng đại diện của Hokuriku Bank. Tôi luôn cố gắng xuất hiện ở những nơi nhiều người tập trung, và nhờ vậy mà đã dần dần xây dựng được một mạng lưới tương đối. Tôi cảm thấy chúng tôi có thể cung cấp sự hỗ trợ hoặc hợp tác nào đó có ích cho khách hàng.
Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến việc tìm kiếm các công nghệ tài chính có thể được sử dụng trong HokuHoku Financial Group – công ty mẹ của Hokuriku Bank và Hokkaido Bank, cũng như các công ty có khả năng hợp tác.