ベトナムビジネスならLAI VIENにお任せください!入国許可、労働許可証、法人設立、現地調査、工業団地紹介などあらゆる業務に対応します!お気軽にご相談ください!

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo
Vol.16 Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh (JCCH)

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh (JCCH) có hơn 1000 doanh nghiệp thành viên. Vào tháng 4 năm nay, ông Okada Hideyuki cùng với khẩu hiệu “đoàn kết” và “tự hào” đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch thứ 24 của Hiệp hội.

Nơi kết nối những doanh nghiệp cùng chung khát vọng

―― Ông đã thực hiện những hoạt động như thế nào từ khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội?

Okada: Chúng tôi đã đến thăm và phổ biến các hoạt động của Hiệp hội JCCH  tới Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương.

Trên phương diện kết nối với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì chúng tôi cố gắng nêu ra được một cách cụ thể những vai trò mà Hiệp hội đã đạt được như là thành tích đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, những cống hiến cho nền kinh tế và xã hội trong nước, cũng như hiệu quả tạo công ăn việc làm trong từng ngành nghề. Con số hơn 1000 thành viên có ý nghĩa rất lớn đối với các hoạt động của Hiệp hội. Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo cơ quan nhà nước thì sự tồn tại của hơn 1000 doanh nghiệp thành viên mang lại sự tín nhiệm mạnh mẽ. Chính vì thế mà những phát ngôn của người đứng đầu Hiệp hội như tôi đây trở nên có trọng lượng hơn.

Tôi tin là nhờ điều đó mà những khó khăn của các doanh nghiệp thành viên sẽ giảm đi phần nào. Như lời ông Onose Takahisa – Chủ tịch Uỷ ban Tài chính và Thuế của Hiệp hội đã phát biểu: “Cho dù không thể làm hết toàn bộ thì chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ hết sức mình”, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên.

―― Tính tích cực trong hoạt động giao lưu giữa các doanh nghiệp thành viên ra sao?

Okada: Cũng giống như các cuộc đối thoại với phía Việt Nam, vai trò chính của Chủ tịch trong nội bộ Hiệp hội cũng là “kết nối”. Kết nối điểm này với điểm kia, mở rộng mối quan hệ, phát triển hơn nữa sợi dây gắn kết trên nhiều mặt trận xung quanh các doanh nghiệp thành viên với nhau, giữa các phòng ban hay giữa Hiệp hội JCCH với cơ quan nhà nước. Trong năm nay chúng tôi đã đổi tên Ủy ban hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thành Ủy ban giao lưu doanh nghiệp, với cùng mong muốn mở rộng vai trò của mình.

Tôi muốn tạo ra một môi trường mà ở đó bất kể các doanh nghiệp thành viên có quy mô như thế nào đều có thể tự do giao lưu mà không gặp phải rào cản. Tuy nhiên, những ông chú Nhật Bản như tôi đây có đặc tính là khá nhút nhát (cười). Chúng tôi e ngại việc đường đột đến thăm một doanh nghiệp mà ̀mình không biết, nhưng đó lại là một phần không thể thiếu trong kinh doanh. Nắm bắt được nhu cầu cần giao lưu, trao đổi giữa các doanh nghiệp nên chúng tôi đã tổ chức các Ban chuyên biệt, trung tâm là Ủy ban giao lưu doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp thành viên tăng cường gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Trước đây thì các buổi giao lưu kinh doanh còn khá khiêm tốn nhưngthông qua đó tôi muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong Hiệp hội. Tôi nhận thấy tại các buổi giao lưu giữa các Ban, cơ hội gặp gỡ cá nhân hoặc doanh nghiệp mà mình muốn được tận dụng một cách triệt để.

―― Trong bài phát biểu ở đại hội ông đã nói rằng “JCCH- nơi bạn cảm nhận được sự đoàn kết và tự hào”.

Okada: Vâng, đầu tiên cho phép tôi nói về “tinh thần đoàn kết”, tỷ lệ lao động của JCCH là 60%, cao hơn nhiều so với nhiều tổ chức thương mại Nhật Bản khác. Quy mô tổ chức ngày càng lớn mạnh với hơn 1000 thành viên đòi hỏi mỗi thành viên tham gia phải tự mình mang tinh thần đoàn kết, hòa nhập.

“Tự hào” ở đây mang ý nghĩa rằng JCCH là tổ chức tập hợp các cá nhân và doanh nghiệp mang trong mình quyết tâm to lớn, đem dến sự tín nhiệm cao.Tôi mong muốn dẫn dắt một Hiệp hội JCCH mà mỗi thành viên trong đấy đều cảm thấy tự hào.

Đương nhiên lợi ích trong kinh doanh là điều quan trọng, nhưng theo suy nghĩ cá nhân thì tôi cho rằng ý nghĩa to lớn nhất của việc tham gia vào Hiệp hội đó là kết nối những đồng minh cùng chung khát vọng.

―― Ông có thể cho biết cụ thể hơn không?

Okada: Vào năm 2011, thời điểm tôi mới chuyển công tác sang Việt Nam tôi được giao cho nhiệm vụ thiết lập văn phòng. Lúc đó tôi chỉ có một mình, cái gì cũng không biết, tôi đã phải loay hoay khá vất vả với hàng loạt vấn đề cần giải quyết như chọn địa điểm, trang bị máy móc, vật dụng, tuyển nhân sự, làm quen phong tục tập quán ở Việt Nam…

Những doanh nghiệp lớn thường có nhiều kỹ năng trong việc đầu tư, nhiều nhân viên phái cử, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi chỉ có một nhân viên và thiếu thốn kỹ năng. Thêm vào đó chúng tôi là ngành dịch vụ, không giống với doanh nghiệp khối sản xuất thường tập trung ở các khu công nghiệp. Cho dù có doanh nghiệp Nhật Bản ở gần tôi cũng không tiện nhờ, tôi cũng thuộc tuýp ông chú Nhật Bản nhút nhát mà (cười).

Tôi đã thực sự cần đến sự hỗ trợ từ một bên trung gian không ảnh hưởng đến vấn đề lợi hại trong kinh doanh. JBAH (tiền thân của JCCH) đã trở thành vị cứu tinh giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời điểm đó. Chính vì thế mà với lòng biết ơn Hiệp hội, giờ đây tôi mong muốn đóng góp một chút sức lực để hỗ trợ lại các doanh nghiệp thành viên.

Các bạn chính là trụ cột của thành phố

―― Ông đã cộng tác với JCCH trong thời gian khá dài. Vậy thì trong khoảng thời gian đó đã có những biến đổi như thế nào?

Okada: Điều thay đổi rõ rệt nhất đó là số lượng doanh nghiệp thành viên đã tăng lên đáng kể. Tôi trước kia từng có thời gian đảm nhiệm chức vụ Trưởng khối dịch vụ thứ nhất, lúc đó thành viên tham gia các Ban chuyên biệt cũng ít. Tôi đã thảo luận với mọi người tìm cách liên kết các thành viên lại với nhau, làm cho các hoạt động của JCCH được quan tâm rộng rãi hơn. Hiện nay con số thành viên tổng hợp của cả khối dịch vụ thứ nhất và thứ hai đã là hơn 200 công ty. Các thành viên cũng tích cực tham gia họp Ban định kỳ.

Số lượng thành viên tăng lên, các hoạt động của từng Ủy ban biến đổi theo hình thức quy mô hơn, vì thế chúng tôi phải có giải pháp giảm bớt gánh nặng. Chẳng hạn như sự kiện Marathon từ thiện JCCH được tổ chức vào năm ngoái  có khoảng 1600 người tham gia. Vì quy mô khá́ lớn nên để vận hành trơn tru cũng như đảm đảm tính an toàn cho sự kiện chúng tôi dã phải nhờ đến các chuyên gia bên ngoài ở nhiều lĩnh vực. Chế độ tự mang cơm cũng bắt đầu có sự hạn chế trong bối cảnh Hiệp hội ngày càng mở rộng, tôi sẽ tiến hành thực hiện một vài điều chỉnh để tiếp tục duy trì và phát triển JCCH trong tương lai.

“Hội nghị bàn tròn” họp bàn về vấn đề cái thiện môi trường kinh doanh với Tp. Hồ Chí Minh cũng có nhiều thay đổi. Tháng 9 vừa rồi chúng tôi đã gửi trước văn bản đề xuất, tiếp sau đây sẽ thực hiện đàm phán, vào tháng 12 cuộc họp chính thức sẽ diễn ra. Lần này sẽ không còn là đề xuất đơn phương từ phía Hiệp hội mà chúng tôi cũng sẽ chú trọng vào việc lắng nghe những đề xuất cải thiện vấn đề từ phía Thành phố. Từ đó tăng cường hơn nữa mối quan hệ tín nhiệm lẫn nhau, đưa sự hợp tác lên tầm cao mới.

―― Ông có thể một lần nữa cho biết cụ thể hơn ý nghĩa của việc gia nhập JCCH?

Okada: Điều trăn trở mỗi ngày của tôi đó là ý nghĩa của việc gia nhập JCCH.  JCCH không phải là tổ chức với mục đích thu lợi nhuận, ngược lại đây là nơi được tạo ra từ những bàn tay tâm huyết. Nếu xem đây là một thành phố thì tôi chính là thị trưởng. Chính vì thế tôi sẽ không là gì nếu thiếu sự đồng lòng hợp lực của tất cả các thành viên trong thành phố của mình. Vai trò của Hiệp hội là truyền đạt ý kiến và nguyện vọng của mọi người đến chính quyền địa phương (phía Việt Nam), tạo cơ hội, môi trường để các thành viên hợp tác, tương trợ lẫn nhau.

Các doanh nghiệp thành viên chính là trụ cột chống đỡ thành phố JCCH. Không chỉ là vấn đề nhận dịch vụ và trả phí hàng năm mà toàn bộ thành viên còn đóng góp tiền của, công sức, ý kiến… cho Hiệp hội. Nhân cơ hội này, với tư cách là người đứng đầu Hiệp hội, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến Ban Giám đốc, các Trưởng ban, cán sự và toàn thể các ủy viên đã tích cực tham gia vào các Ban chuyên biệt cũng như tất cả thành viên đã luôn hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình cho mọi hoạt động của JCCH.

Việt Nam đang từng bước chuyển mình sang trang mới, đầu tư từ Nhật Bản đẩy mạnh vào các ngành nghề mới, đa dạng hơn, cùng với đó cũng sẽ phát sinh thêm nhiều khó khăn hơn. Bản thân tôi quyết tâm cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ sau của mình trong năm nay và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người kế nhiệm có thể tiếp nối truyền thống tốt đẹp của chúng tôi.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh
Hideyuki Okada
Ông Hideyuki Okada, sau khi tốt nghiệp đại học đã lấy chứng chỉ và trở thành luật sư ở Nhật Bản. Năm 2011 ông chuyển công tác sang Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ như Trưởng khối dịch vụ thứ nhất, Giám sát, Phó chủ tịch và chủ tịch Ban dự thảo luật tổ chức của JBAH – tiền thân của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh. Tháng 4/2019, ông là người đầu tiên trong khối dịch vụ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội JCCH.