ベトナムビジネスならLAI VIENにお任せください!入国許可、労働許可証、法人設立、現地調査、工業団地紹介などあらゆる業務に対応します!お気軽にご相談ください!

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo
Vol.14 JAC Recruitment Vietnam

Doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản tiến hành địa phương hóa

―― Chị có thể cho biết nét đặc trưng của công ty giới thiệu nhân sự bên mình không?

Win: Chúng tôi đang tập trung vào hướng giới thiệu nhân sự chất lượng cao vào các vị trí quản lí, độ tuổi khoảng trên 30, có hơn 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực. Tỷ lệ lao động mà chúng tôi giới thiệu khoảng 65% là người Việt và 35% là người Nhật.

Ở những công ty giới thiệu nhân sự thông thường thì bộ phận đối ứng khách hàng và bộ phận đối ứng người tìm việc sẽ được chia ra riêng rẽ, nhưng đối với công ty chúng tôi thì một nhân viên sẽ đảm nhiệm cả 2 phía. Chúng tôi gọi đó là “tư vấn song song”. Tôi nghe nói ở công ty khác có trường hợp “người tìm việc chưa từng gặp mặt nhân viên tư vấn ” hoặc “người tư vấn không thể tham dự cuộc phỏng vấn của doanh nghiệp và người tìm việc”, những trường hợp như thế không thể nào dẫn đến  sự kết nối tuyệt vời nhất. Bởi vì nó không thể phản ánh được hình ảnh chân thực̣ doanh nghiệp mong muốn và ý chí tìm kiếm công việc của người lao động.

Do đó,́ số lượng khách hàng mà một nhân viên tư vấn nhân sự của chúng tôi đảm nhiệm là khoảng 5~10 công ty. Với tư cách là một doanh nghiệp thì đơn giá quan trọng hơn số lượng, thi thoảng tôi cũng bị nói là chi phí giới thiệu hơi cao (cười). Vì phân khúc nhân sự trẻ, chưa có kinh nghiệm không phải là thế mạnh của chúng tôi, cho nên chúng tôi cũng có đề xuất với khách hàng là chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ cho các vị trí gạo cội hơn . Người tìm việc đến với chúng tôi hơn phân nửa là qua giới thiệu, những người đã từng đăng ký thường tiếp tục giới thiệu người quen cho chúng tôi. Phía khách hàng cũng vậy, nhiều khách hàng cũ ủng hộ giới thiệu thêm khách hàng mới cho chúng tôi.

―― Xin chị chia sẻ về những thành tích đã đạt được.

Win: Cũng khá may mắn là doanh thu mỗi năm tăng đều khoảng 15~20%. Chi nhánh của JAC Recruitment đã có mặt ở 12 quốc gia, nhưng đặc biệt JAC Recruitment Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Một trong những lí do quan trọng đó là nhờ việc khá nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đặt mục tiêu là thị trường trong nước và tiến hành địa phương hóa các hoạt động kinh doanh. Trước kia vai trò của nhiều nhân viên Việt Nam chỉ là hỗ trợ ̣cho chuyên gia người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, tuy nhiên hiện nay đã có sự thay đổi, có trường hợp nhân viên người Việt trở thành lực lượng nòng cốt,  người nước ngài chỉ đảm nhận những vị trí hỗ trợ, tư vấn. Tất cả là nhờ các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, do xung đột quan hệ mậu dịch Mỹ – Trung nên các doanh nghiệp cũng có động thái chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam hoặc chuyển dịch nhận sự sang người Việt làm việc cho nhà máy hiện tại. Bằng nhiều hình thức, dường như các doanh nghiệp có liên quan đến Trung Quốc đều có nhu cầu tuyển dụng người Việt khá cao.

Trước kia, khả năng ngoại ngữ là yêu cầu chính đối với người lao động, tuy nhiên hiện nay ngoài khả năng ngoại ngữ thì khả năng chuyên môn và có mối quan hệ mạng lưới kết nối con người cũng đang trở thành điều kiện tiên quyết. Chúng tôi phân loại doanh nghiệp Nhật thành các nghành khác nhau: sản xuất, thương mại, dịch vụ. Quả nhiên là ngành nghề khác nhau thì nhu cầu sử dụng lao động cũng khác nhau.

―― Chị có thể cho biết cụ thể hơn không?

Win: Lý do thì tôi nghĩ là vì phía Nhật Bản thiếu hụt nguồn nhân lực để phái cử sang Việt Nam. Ở lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp Nhật đã bắt đầu tuyển dụng người Việt cho các vị trí trong phòng ban quản lí cấp cao như Giám đốc tài chính , Giám đốc điều hành v.v. Và việc tuyển dụng nhân sự trong nước cũng góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Giả sử chúng ta làm một phép so sánh, cùng một mức lương nhưng nếu tuyển dụng quản lý người Nhật thì công ty sẽ phải gánh thêm tiền nhà, chi phí xe cộ đi lại, có khi số tiền phụ cấp đó gần bằng tiền lương trả cho người lao động. Trong khi đó nếu tuyển dụng người Việt vào vị trí tương đương thì sẽ không phải tốn thêm những khoảng chi phí kể trên, họ cũng không phải về nước nên có thể làm việc lâu dài với công ty.

Có điều, yêu cầu đối với người lao động khá cao. Ví dụ như người đã từng du học Nhật, sau khi tốt nghiệp có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật và có hiểu biết về tập quán kinh doanh của Nhật Bản. Bởi vì phải lựa chọn những ứng viên ưu tú nhất, có trình độ ngôn ngữ và chuyên môn tương đương với người Nhật nên số lượng rất ít.

Ở lĩnh vực thương mại, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí nhân viên kinh doanh như phát triển mạng lưới bán hàng. Hoặc là một vị trí nữa gọi là tìm nguồn cung ứng. Đó là công việc tìm kiếm đối tác, thỏa thuận các điều khoản trao đổi, thu mua. Trong bối cảnh nhu cầu trong nước đang tăng lên thì các công việc liên quan đến buôn bán hàng nhập khẩu từ Nhật cũng đa dạng hơn. Người lao động Việt Nam nắm giữ được hệ thống, mạng lưới giao thương trong nước sẽ rất có lợi thế khi đến với chúng tôi.

Lĩnh vực dịch vụ sẽ được chia thành các nhánh lớn như là tư vấn, ngân hàng, xây dựng. Tư vấn thì bao gồm đầu tư, kế toán, luật pháp…, tuy nhiên ngành nghề được yêu cầu nhiều nhất là tư vấn viên kinh doanh hỗ trợ xin giấy phép cho doanh nghiệp, tư vấn thu mua, sáp nhập doanh nghiệp v.v.. Công việc này mang tính chuyên môn cao và chỉ có người Việt mới đảm nhận được. Ngân hàng thì có nhiều công việc là trợ lý. Xây dựng thì có nhân viên kinh doanh cho các căn hộ cao cấp, villa của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Hướng đến nguồn nhân lực mang tầm quốc tế

―― Chị nhận thấy rõ xu hướng địa phương hóa hiện nay chứ?

Win: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như là Âu Mỹ đã phát triển ở Việt Nam từ khá sớm. Có khá nhiều các doanh nghiệp đầu tư liên quan đến nhóm hàng tiêu dùng nhanh đã trao nhiều vị trí quan trọng cho người lao động Việt Nam, những người nắm bắt được thị trường trong nước. Chính vì thế tôi nghĩ kỹ năng nghiệp vụ của những lao động biết tiếng Anh đó cũng khá cao.

Tuy nhiên với doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản thì khác. Vốn dĩ các doanh nghiệp EPE trong khu chế xuất chủ yếu thiên về xuất khẩu nên thường nhân viên người Nhật sẽ trực tiếp làm việc với công ty mẹ và nhân viên Việt Nam chỉ đảm nhận những vị trí hỗ trợ. Họ không có nhu cầu tìm hiểu về thị trường trong nước, và nhân viên Việt Nam được tuyển dụng cũng đã hài lòng với vị trí của họ trong công ty. Đến bây giờ tôi nghĩ điều đó vẫn chưa có nhiều thay đổi.

―― Tình hình chuyển việc của người Nhật như thế nào?

Win: Bằng việc địa phương hóa các hoạt động kinh doanh thì tình hình tuyển dụng người Nhật ở các doanh nghiệp Nhật Bản có dấu hiệu giảm, đặc biệt là các vị trí quản lí. Chính vì thế tôi nghĩ họ nên cân nhắc đến việc chuyển sang công tác cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam tiên tiến đang tích cực đầu tư cho xuất khẩu và giao thương với các thị trường nước ngoài trong đó có Nhật Bản, vì vậy họ có nhu cầu tuyển dụng người Nhật như một cách xây dựng cầu nối với thị trường Nhật Bản.

Các doanh nghiệp vụ trong nước cũng có nhu cầu lao động Nhật, ví dụ như nhân viên kỹ thuật giám sát chất lượng các sản phẩm đóng gói. Hàng Việt Nam nếu so với sản phẩm của các công ty Nhật thì đơn giá sẽ rẻ hơn, nếu có thể đưa vào phương pháp quản lý chất lượng chuẩn Nhật thì sẽ đảm bảo được chất lượng tốt hơn, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Công việc khá tự do, thoải mái, đãi ngộ tốt. Ngày càng có nhiều người Nhật muốn trở thành một nhân viên mang tầm quốc tế, làm việc ngoài doanh nghiệp Nhật Bản, đó là nguồn nhận lực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm.

―― Hiện nay cũng không có nhiều người Việt Nam giữ được chức vụ như chị Uyên. Với vị trí là một nhà lãnh đạo chị có thể chia sẻ thêm về những điều mà chị tâm đắc không?

Win: Tôi muốn góp phần đào tạo, bồi dưỡng những người có khả năng tự quản lý tốt bản thân. Ngoài ra, vị trí của tôi không phải là người lãnh đạo mà là người tư vấn, hỗ trợ. Tôi không muốn các bạn có suy nghĩ là mình bị quản lí mà hãy suy nghĩ theo hướng chính bản thân mình là người lãnh đạo chính mình, quản lí được bản thân mình. Được như vậy thì các bạn sẽ làm việc mà không bị chi phối bởi bất cứ một ai khác.

Đương nhiên bản thân tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình. Nếu được yêu cầu hỗ trợ tỗi sẽ truyền đạt phương pháp giải quyết vấn đề, tuy nhiên điều quan trọng là từ những điều tôi nói các bạn sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào. Công ty chúng tôi theo thiên hướng mở, không có cạnh trạnh không lành mạnh và cốt lõi là chia sẻ thông tin lẫn nhau. Chúng tôi là công ty đầu tư nước ngoài, ở một mức độ nào đó có sự dung hòa giữa phong cách Nhật Bản và Châu Âu.

Lúc nãy tôi có đề cập về nguồn nhân lực mang tầm quốc tế, nếu bạn có thể tiên phong, chủ động hành động thì bạn cũng có thể trở thành một nhân tố như vậy.

JAC Recruitment Vietnam Co., Ltd.
Le Thuy Dieu Uyen (Win)
Chị Lê Thụy Diệu Uyên (Win), sau khi hoàn thành khóa học Thạc sĩ tại trường Đại học Aichi thì chị đã hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chiến lược nhân sự, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại Nhật, chị quay về Việt Nam và gia nhập  JAC Recruitment Vietnam vào cuối năm 2012. Từ tháng 4/2018, chị bắt đầu giữ chức vụ như hiện nay. Trên tạp chí ACCESS cũng đang đăng tải về chuyên mục “Nữ Giám đốc Việt Nam và những giải quyết khúc mắc Nhật – Việt”