Văn phòng JNTO (Japan National Tourism Organization – Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản) thành lập tại Hà Nội với mục tiêu thúc đẩy việc thu hút khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản. Khi khách du lịch vắng bóng do đại dịch COVID-19, tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn, văn phòng vừa phải tìm hướng giải quyết vừa tiếp tục giới thiệu về Nhật Bản. Trưởng đại diện đầu tiên, cũng là trưởng đại diện hiện nay của văn phòng JNTO, ông Ayumi Takahashi, sẽ cùng trao đổi thêm về vấn đề này.
Chuyển sang giải pháp sử dụng Facebook
―― Vì sao thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam?
Takahashi: Năm 2012 chính phủ Nhật Bản đã thêm Việt Nam vào danh sách đối tượng thị trường mục tiêu của “Dự án Visit Japan (VJ)” nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch đến thăm Nhật Bản. Lúc bấy giờ, tôi đang trong nhiệm kỳ tại Bangkok, công việc chủ yếu là khai thác và bắt đầu triển khai hoạt động thị trường Việt Nam, Philippines. Vì ở Bangkok khó nắm rõ được thị trường Việt Nam nên sau đó văn phòng đại diện tại Việt Nam được thành lập.
Công việc của chúng tôi về cơ bản là thu hút khách du lịch đến Nhật Bản. Hoạt động chính là phối hợp với các công ty du lịch và hãng hàng không xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch đến Nhật, tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch hướng đến người tiêu dùng, sản xuất video với sự cộng tác của những người nổi tiếng, truyền tải thông tin trên trang web và Facebook.
―― Đặc trưng của thị trường Việt Nam là gì?
Takahashi: Không giống các nước Âu Mỹ, Việt Nam cần phải có thị thực du lịch để đến thăm Nhật Bản. Vì các chuyến du lịch đa phần là trọn gói sau khi xin thị thực thông qua các công ty du lịch nên đối với chúng tôi các công ty du lịch có vai trò rất quan trọng.
Ví dụ: các tour du lịch có xu hướng thiên về “Cung đường vàng” kết hợp Tokyo, Hakone, núi Phú Sĩ, Kyoto và Osaka nên chúng tôi mời các chính quyền địa phương, công ty du lịch và cơ sở lưu trú.v.v, của Nhật Bản đến Việt Nam để kết nối thương mại với các công ty du lịch Việt Nam. Hiện tại không thể tiến hành do đại dịch COVID-19, nhưng trước đây chúng tôi đã tổ chức các buổi kết nối thương mại (business meeting) quy mô lớn 3 lần 1 năm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Đối với B2C (Business to customer) có tổ chức những sự kiện du lịch để người Việt Nam hiểu rõ về Nhật Bản. Tuy nhiên, các sự kiện này cũng rất khó để tổ chức do đại dịch COVID-19, vì vậy chúng tôi hiện đang tập trung vào việc vận hành Facebook (@camnhannhatban), có hơn 250.000 người theo dõi.
Chúng tôi đã thay đổi cách làm từ khoảng tháng 4, tháng 5 năm ngoái khi sự lây nhiễm COVID-19 lan rộng và trang web cũng được đổi mới. Sau khi thảo luận sâu với nhân viên, tôi nhận ra rằng hình ảnh rất quan trọng. Trước đây, thông tin chi tiết cũng được truyền tải cùng, nhưng rất khó để đăng tất cả thông tin. Chúng tôi đã thay đổi theo hướng dùng hình ảnh để mọi người chú ý đến, nếu có hứng thú họ sẽ chuyển đến xem trên website.
Hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng từ những phong cảnh đặc sắc chỉ có ở Nhật Bản. Không hiểu tại sao trong số đó, những bức ảnh được phản hồi tốt là những bức ảnh chụp con đường dài ở Hokkaido và cây cầu dài ở tỉnh Shizuoka. Mặc dù không phải là đặc trưng của Nhật Bản, nhưng đã mang đến cho chúng tôi cảm giác thật mới mẻ.
Mạng xã hội (SNS – Social Networking Service) rất thú vị với kết quả thu được từ các con số, tỷ lệ tương tác cũng đang tăng lên. JNTO nói chung đã thúc đẩy hoạt động digital marketing dựa trên cơ sở dữ liệu trong vài năm qua.
―― Trước khi có dịch COVID-19, số lượng người Việt Nam đến thăm Nhật Bản đã tăng mạnh.
Takahashi: Năm 2012 là khoảng 55.000 người, năm thành lập văn phòng 2017 thì có khoảng hơn 300.000 người, năm 2019 là khoảng 495.000 người, tăng gấp 9 lần trong vòng 7 năm. Tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất trong tất cả các thị trường, chúng tôi không thể giấu được sự ngạc nhiên.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam thực sự tốt đẹp, có lẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực của chúng tôi. Trong ngành du lịch, để mang lại hiệu quả phải tìm kiếm sự phát triển song phương giữa nơi đi và nơi đến, xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Điểm quan trọng là ấn tượng giữa hai quốc gia, ấn tượng tốt đẹp của người Việt Nam đối với Nhật Bản là một động lực lớn thúc đẩy hoạt động này. Sự tin tưởng này dù có chi bao nhiêu tiền cho quảng cáo cũng không thể nhận được .
Chúng tôi đã quảng bá du lịch đến các thành phố địa phương. Việc du lịch Nhật trở nên phổ biến và việc giảm giá tour do cạnh tranh gây lo ngại chất lượng giảm, đòi hỏi cần khai thác những địa điểm mới. Để kết quả sự cạnh tranh về giá cả không làm du khách thất vọng về Nhật Bản, và cũng vì trong sản phẩm Cung đường vàng khó gây được khác biệt hóa giữa các công ty du lịch, vì vậy đây là chiến lược gia tăng giá trị tại các thành phố địa phương. Điều này cũng có thể đóng góp vào nền kinh tế địa phương của Nhật Bản.
Tuy nhiên, do đa phần ở xa xôi, sẽ mất thời gian nếu sử dụng các chuyến bay thường lệ nên chúng tôi thúc đẩy các chuyến bay thuê bao, hỗ trợ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng. Ngoài ra, có một số loại hình du lịch mới nổi khác như du lịch tự túc hay du lịch khuyến thưởng của các công ty,.v.v.
―― Không nhất thiết lúc nào cũng là một địa điểm du lịch lớn.
Takahashi: Tôi cảm thấy rằng có một cảm giác tin tưởng tuyệt đối vào Nhật Bản đằng sau việc du khách lựa chọn địa điểm mà họ chưa biết tới. Chỉ cần “đi đến Nhật Bản”, bất kể đó là địa danh cụ thể nào như Fukushima, Tottori hay Kagoshima, v.v. Tôi nghĩ rằng có nhiều người rất mong muốn được đến thăm những nơi mà những người Việt Nam khác chưa đến, chụp ảnh ở đó và đăng trên SNS.
Người Việt Nam thực sự yêu thích chụp ảnh và mua sắm đến mức nếu thời gian dành cho việc này trong hành trình bị rút ngắn thì chắn chắn sẽ bị phàn nàn. Tôi gọi đó là “những bức ảnh được sắp xếp”, gia đình và bạn bè gửi hình ảnh những món đồ họ muốn có, phải mua những món đó trước rồi mới đến phần tự mua cho mình nên có vẻ mất khá nhiều thời gian.
Tôi làm nghề này gần 20 năm và chưa từng gặp một người Việt Nam nào có ấn tượng xấu về Nhật Bản. Như trên Facebook của chúng tôi, dưới thông tin về tân đại sứ hay tổng lãnh sự Nhật Bản mới nhậm chức, mọi người vào comment là “Chào mừng đến Việt Nam!”, hay khi chuyến công du đầu tiên của thủ tướng đến Việt Nam được quyết định, mọi người cũng comment là “thật tự hào” .v.v.
“Cảm giác trực tiếp (live)” đến từ người Việt Nam cư trú tại Nhật
―― Hãy cho chúng tôi biết kế hoạch tương lai của ông.
Takahashi: Hội chợ du lịch VITM (Vietnam International Travel Mart) đã được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái sau 5 lần bị hoãn. Khoảng 28.000 người đã đến tham quan và hàng nghìn người cũng đã đến thăm gian hàng của JNTO. Có lẽ vì là gian hàng của Nhật Bản nên khi chúng tôi đặt câu hỏi “Đất nước bạn muốn đến trong tương lai” thì câu trả lời được nhận nhiều nhất là “Nhật Bản”.
Trong cuộc khảo sát dành các công ty du lịch, quan điểm “muốn bán tour đi Nhật ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt” cũng không thay đổi, mặc cho đại dịch COVID-19 thì ấn tượng tốt về Nhật Bản vẫn được duy trì. Trong tình hình đó cũng thật đáng tiếc là chúng tôi không thể thực hiện các hoạt động quảng bá thường xuyên, vì vậy chúng tôi đang tập trung vào việc truyền tải thông tin.
Tuy nhiên, “cảm giác trực tiếp (live)” của thông tin nếu chỉ truyền tải bằng Facebook và website thì có vẻ hơi thiếu. Tuy nhiên, không thể mời người nổi tiếng đi Nhật để làm video nên chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác của hơn 400.000 cư dân Việt Nam đang sống tại Nhật. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một dự án nhằm truyền tải tình hình thực tế các điểm du lịch ở Nhật Bản dưới góc nhìn của người Việt Nam, và phù hợp với tình trạng hiện nay như có hạn chế đi lại…
―― Cụ thể như thế nào?
Takahashi: Một thử nghiệm giống vậy đã hình thành vào tháng 8 năm ngoái. Chúng tôi đã hợp tác với Báo Mainichi giới thiệu thành phố Kawagoe, tỉnh Saitama trên một trang web dành cho người Việt Nam có tên là “KOKORO”. Đây là một bài ký sự có sử dụng hình ảnh và lời văn của một cô gái Việt Nam sống ở Nhật Bản mặc Kimono đến thăm các địa điểm nổi bật của Kawagoe.
Khi đi du lịch, thông tin theo mùa và “cảm giác trực tiếp (live)” rất quan trọng. Tôi muốn truyền tải thông tin thông qua các hình thức như video một cách độc đáo, đồng thời tiếp tục tạo ra sức thu hút một cách trực tiếp. Chúng tôi đang có kế hoạch tham gia sự kiện Nhật Bản lớn nhất Việt Nam JVF (Japan Vietnam Festival) vào tháng 3 và VITM tiếp theo vào tháng 4.
Hôm trước, khi tôi tham dự một buổi họp mặt trong ngành du lịch ở Việt Nam, mọi người đều hào hứng nói: “Năm nay làm thôi”. Cũng có một số công ty bị phá sản hay buộc phải tái cấu trúc. Mặc dù vậy, họ đang cố gắng để trước hết làm cho mảng du lịch trong nước được vững mạnh, sau đó thu hút khách du lịch nước ngoài, và rồi xây dựng cơ cấu nhằm phục hồi du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên việc ngành du lịch bao giờ được mở cửa trở lại là điều quan trọng nhất lúc này.