Hitachi Zosen Việt Nam chủ yếu cung cấp thiết kế chi tiết về nhà máy đốt rác phát điện ở văn phòng miền Nam và hỗ trợ công ty mẹ trong việc kinh doanh, mua sắm thiết bị tại văn phòng miền Bắc. Giám đốc Hiroshi Kiyono chia sẻ về tầm nhìn tương lai là muốn tham gia vào công việc thiết kế cơ bản mà công ty mẹ đang phụ trách cùng với việc công ty tự triển khai nghiệp vụ mua sắm thiết bị.
Thiết kế chi tiết hướng đến offshore
―― Hãy cho chúng tôi biết về công việc kinh doanh của công ty ông.
Kiyono: Chủ yếu thiết kế bản vẽ chi tiết 3D CAD cho nhà máy đốt rác phát điện do công ty mẹ Hitachi Zosen thi công. Nhà máy đốt rác phát điện là nhà máy vừa dùng nhiệt độ cao để đốt rác vừa sử dụng lượng nhiệt đó để tạo ra môi trường điện. Hitachi Zosen là một công ty lớn trong lĩnh vực này, đã và đang triển khai xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện khắp nơi trên thế giới.
Công ty mẹ thực hiện thiết kế cơ sở. Chúng tôi dựa trên quy mô và hiệu suất của nhà máy, thành phần thiết bị, quy trình sản xuất, phương thức điều khiển, sơ đồ bố trí tổng thể, v.v., để hoàn thành thiết kế chi tiết bằng 3D CAD. Có thể nói chúng tôi là một công ty thiết kế cho hoạt động offshore (kinh doanh ở nước ngoài), tất cả các sản phẩm được giao cho Tập đoàn Hitachi Zosen và không bán ra bên ngoài.
Lý do chọn Việt Nam là điểm đến lúc đó bởi vì giá nhân công rẻ, có nguồn nhân lực ưu tú, tôi đã đến thăm vài lần trước khi được bổ nhiệm. Vào tháng 8 năm 2011, Hitachi Zosen đã mua một công ty phần mềm có sẵn và chuyển đổi thành công ty con, hiện có khoảng 100 nhân viên. Chúng tôi nhận đơn hàng không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nước ngoài, số lượng dự án mỗi năm có lúc vượt quá 100.
Hiện tại (thời điểm phỏng vấn), có 30 người trong nhóm đường ống, 16 người trong nhóm kiến trúc xây dựng dân dụng và công nghiệp, 15 người trong nhóm máy móc thiết bị và 7 người trong nhóm thiết bị điện, đo đạc. Ngoài ra, có 5 người được bố trí nhóm cầu đường có liên quan lĩnh vực môi trường,
Kỳ hạn giao hàng tùy thuộc vào quy mô của dự án và các thành phần thiết bị của nhà máy, có thiết kế kéo dài đến 2 năm.
―― Vì là công việc đặc thù nên có vẻ khó nhớ phải không?
Kiyono: Việc học phần mềm 3D CAD là điều quan trọng, nhưng cần phải nhớ thêm kiến thức cơ bản về nhà máy chứ không chỉ mỗi kỹ thuật vẽ. Tổng quan nhà máy đốt rác phát điện , kiến thức về quy trình, chức năng của từng loại máy móc thiết bị, v.v. Nếu là người tốt nghiệp từ khoa kỹ thuật của một trường đại học, dù có biết yếu tố kỹ thuật thì cũng rất ít người có kinh nghiệm thiết kế nhà máy nên việc đào tạo sau khi gia nhập công ty là điều không thể thiếu. Phải mất từ hai đến ba năm để trở thành một kỹ sư thiết kế rành rọt.
Tại công ty của chúng tôi, các nhân viên vào trước đang được tập huấn để trở thành những người đào tạo, chúng tôi bồi dưỡng họ trong vài tháng cho đến khi họ có thể cung cấp các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Mặc dù đang dừng lại do dịch Corona, nhưng chúng tôi cũng đã mời các kỹ sư từ công ty mẹ Nhật Bản đến đào tạo cho họ, và cũng có đưa đi đào tạo ở Nhật Bản để học thêm về kỹ thuật.
Tôi cũng xuất thân từ ngành thiết kế nên tôi hiểu cảm giác nhà máy do mình thiết kế đã thành hình tại công trường và bắt đầu đi vào hoạt động thì không có gì tốt đẹp hơn. Để có thể trải nghiệm sự “phấn khích” này nhiều nhất có thể, chúng tôi đã tạo ra các cơ hội như: cử đến công trường, tham quan các nhà máy đã hoàn thiện của Nhật Bản, kiểm tra các nơi sản xuất máy móc cho nhà máy.v.v. Khó có được những trải nghiệm như vậy nếu công ty mẹ không xây dựng những nhà máy này.
―― Nó dường như cũng có tác dụng làm giảm tỷ lệ nghỉ việc phải không?
Kiyono: Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng tỷ lệ nghỉ việc ở công ty chúng tôi thấp hơn so với các công ty khác trong cùng ngành, và vì lý do đó, chúng tôi đang tăng cường các chương trình phúc lợi của mình theo nhiều cách khác nhau. Hệ thống quản lý mục tiêu, hệ thống đánh giá khả năng, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động lâu năm, v.v., nhưng phúc lợi là một vai trò phụ trong việc khuyến khích làm việc lâu dài, tôi nghĩ rằng động lực và khích lệ mới là quan trọng. Tóm lại, đó là sự đáng giá và thú vị của công việc này.
Tính độc lập là quan trọng, nhưng tôi muốn phát triển những thành viên có thể “tự chủ”, vì vậy động lực cũng rất quan trọng. Tôi muốn phát triển nguồn nhân lực có thể tự lập kế hoạch xem phải thực hiện những gì, thực hiện như thế nào, đến khi nào xong nhằm hoàn thành mục tiêu mà không cần công ty đưa ra từng chỉ thị. Tuy nhiên, đôi khi tôi lại đưa ra những chỉ thị chi tiết (cười).
Công việc thiết kế mà tôi giải thích phía trên được thực hiện tại văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, kể từ khi thành lập văn phòng chi nhánh vào năm 2018, chúng tôi đã bắt đầu hỗ trợ công việc mua sắm thiết bị và công việc kinh doanh của công ty mẹ bao gồm cả nhà máy đốt rác phát điện.
Hỗ trợ mua sắm thiết bị và kinh doanh tại miền Bắc
―― Công việc cụ thể như thế nào?
Kiyono: Đối tượng không chỉ ở miền Bắc mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đối với hoạt động hỗ trợ kinh doanh, các hoạt động chính là các hoạt động như thuyết trình với các bộ phận có nhu cầu xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại từng tỉnh thành và các công ty Việt Nam có nhu cầu đầu tư. Danh sách bao gồm toàn bộ các sản phẩm của công ty.
Cho đến nay, một nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đã được xây dựng tại Nam Sơn – phía Bắc Hà Nội bởi Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) – một tập đoàn nghiên cứu và phát triển quốc gia tại Nhật Bản. Đã hoàn thành và bàn giao vào tháng 11 năm 2017.
Hoạt động bị tạm dừng do tình hình từ phía Việt Nam, nhưng năm nay có động thái khởi động trở lại. Do cần phải kiểm tra lại toàn bộ nên chúng tôi đang trao đổi với phía bên phụ trách vận hành là Sở Môi trường Hà Nội (URENCO).
Một ví dụ khác về việc hỗ trợ mua sắm thiết bị là dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Nam Ngum số 1 tại Lào thông qua nguồn vốn ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) của Nhật Bản. Hitachi Zosen đã nhận được đơn đặt hàng xây dựng hệ thống cống thoát nước và ống sắt, chúng tôi đã tìm kiếm một nhà thầu phụ để sản xuất và đã đặt hàng với một công ty lớn của Việt Nam.
Sau khi đặt hàng, do ảnh hưởng của dịch Corona, người phụ trách sản xuất và kiểm tra chất lượng của Nhật Bản không thể sang Việt Nam nên chúng tôi đang hỗ trợ các hoạt động khác ngoài hoạt động mua sắm.
―― Những thách thức gần đây nhất của công ty là gì?
Kiyono: Về thiết kế, hiệu quả của thiết kế và giảm chi phí là yếu tố quyết định khi gia nhập thị trường, vì vậy giá cả và chi phí nhân công đang tăng lên là một thách thức. Cũng giống như các công ty nước ngoài mở rộng sang Trung Quốc, sau đó đã chuyển đến Việt Nam hoặc các nước khác với mục đích tương tự, tôi muốn cố gắng không nghĩ đến một quốc gia khác nếu việc giảm chi phí trở nên khó khăn.
Để duy trì khả năng cạnh tranh, cần nâng cao khả năng đáp ứng sự gia tăng của giá cả và nâng cao hiệu quả của thiết kế. Ngoài ra, việc rèn giũa chuyên sâu năng lực kỹ thuật hàng ngày cũng rất quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng.
―― Hãy cho chúng tôi biết chiến lược và kế hoạch sắp tới của công ty ông.
Kiyono: Về lâu dài, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành cứ điểm kỹ thuật ở Đông Nam Á. Trong xây dựng có từ “ EPC”, trong đó E có nghĩa là thiết kế, P có nghĩa là mua sắm thiết bị và C có nghĩa là xây dựng. Cho dù việc xây dựng là không thể, chúng tôi dự định sẽ đấy mạnh E và P.
Về thiết kế, không giới hạn ở thiết kế chi tiết như hiện tại, chúng tôi muốn mở rộng nó sang thiết kế cơ bản trong tương lai. Tôi hiểu có nhiều vấn đề như cần có năng lực kỹ thuật cao, cộng với quy mô nhỏ nhưng tôi nghĩ chắc có thể sẽ làm được nhiều việc cùng lúc.
Về mua sắm thiết bị, chúng tôi đang hỗ việc mua sắm cho công ty mẹ, nhưng chúng tôi chưa đảm nhận được việc đặt hàng. Do đó, chúng tôi có kế hoạch sẽ thực hiện công việc đặt hàng này cho các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện mà Hitachi Zosen đã nhận thi công ở Đông Nam Á, việc tìm mua thiết bị chủ yếu ở Việt Nam và các nước lân cận.
Có rất nhiều loại thiết bị nhà máy. Cần phải tiến hành điều tra tìm các nhà cung cấp tại Việt Nam, về tất cả các loại thiết bị thì hơi khó nhưng sản phẩm bồn chứa chẳng hạn thì có khả năng đặt hàng được.
Ngoài ra, khi nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn khởi động lại, tôi nghĩ muốn phụ trách hỗ trợ vận hành và bảo trì. Trong tương lai, chúng tôi cũng đang xem xét nghiệp vụ bán hàng ra bên ngoài, tức là nghiệp vụ dịch vụ hậu mãi cho các nhà máy khác ở các nước Đông Nam Á.
Tuy có nhiều khó khăn, nhưng tôi muốn dần dần mở rộng phạm vi công việc.