ベトナムビジネスならLAI VIENにお任せください!入国許可、労働許可証、法人設立、現地調査、工業団地紹介などあらゆる業務に対応します!お気軽にご相談ください!

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo Vol.04
LOTUS FOOD INVESTMENT & DEVELOPMENT JSC

Là người đưa hệ thống chuỗi nhà hàng mì Marukame Udon và Cà ri Coco Ichibanya vào Việt Nam, đồng thời là đại lý phân phối sữa bột, tã giấy, sản xuất thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm ăn liền và gần đây nhất là sản xuất các loại rau cải và trái cây vv. Lần này, chúng tôi đã có cơ hội được phỏng vấn nữ giám đốc Lê Vân Mây, về chiến lược kinh doanh của cô trong việc hợp tác với các đối tác Nhật, để gầy dựng nên tập đoàn tầm cỡ như ngày hôm nay.

Sự tín nhiệm từ các doanh nghiệp Nhật

―― Cô nói tiếng Nhật rất giỏi.

Mây: Khi tôi còn đang du học Đại học tại Nga, tôi từng nói với bạn của mình là hàng Nga có chất lượng rất tốt, thì bạn tôi bảo “Hàng của Nhật chất lượng còn tốt hơn thế nữa, Mây nên tranh thủ học tiếng Nhật đi”. Sau khi về nước, tôi đã chọn vào khoa tiếng Nhật của trường Ngoại Thương vì vốn dĩ tôi là người yêu thích ngoại ngữ, và vì nó cũng là cánh cửa để vươn ra tầm thế giới.

―― Duyên cớ gì thúc đẩy Cô thành lập Công ty?

Mây: Ngày trước, tôi từng là người phụ trách cho Hiệp hội xúc tiến thương mại Nhật Việt. Trong số những khách hàng tôi đang làm việc cùng thì có một khách hàng ngỏ lời muốn có nhiều cơ hội làm việc với tôi hơn, khi đó tôi trả lời rằng mình không có Công ty, thì được vị khách hàng ấy đưa ra lời khuyên là hãy thành lập Công ty riêng. Và thế là vào năm 1995 tôi đã thành lập Công ty của riêng mình, chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thêu thủ công và mây tre đan để xuất khẩu sang Nhật.

Sau đó, năm 1996 tôi bắt đầu công việc bên mảng gia công sản phẩm thủy hải sản. Ban đầu, tôi chỉ hỗ trợ giúp doanh nghiệp Nhật thành lập nhà máy tại Việt Nam, nhưng giữa chừng doanh nghiệp ấy rút lui, nên tôi đứng ra tiếp quản. Đến năm 2009, tôi thành lập nhà máy mới chuyên sản xuất dòng sản phẩm bánh tôm tẩm bột và chả cá Surimi xuất khẩu sang Nhật, còn hàng tiêu thụ trong nước thì có thực phẩm đông lạnh và thực phẩm ăn liền cho các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Quy mô tập đoàn bắt đầu lớn dần từ năm 1999 khi tôi trở thành nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm từ Nhật.

―― Duyên cớ gì khiến Cô quyết định trở thành đại lý phân phối?

Mây: Thời điểm đó, nhà sản xuất giấy tại Nhật muốn tìm đại lý phân phối tã giấy tại Việt Nam, thế nhưng phản ứng của mọi người xung quanh lúc đấy là: “Sản phẩm này không thể bán với giá gấp 3, 4 lần giá thị trường” nên không có ai chịu nhận làm đại lý cả. Với bản tính thích thử thách, tôi đã nhận làm đại lý phân phối tã giấy. Lúc đó, tôi nghĩ lĩnh vực chính của Công ty đang là xuất khẩu hàng sang Nhật, nếu nhận thêm mảng nhập khẩu thì sẽ có thể hỗ trợ được chi phí cho nhau, và một lý do nữa là con tôi đang cũng dùng tã giấy, nhưng hàng tã nội địa khiến da bé bị nổi mẩn, chỉ khi sử dụng sản phẩm này là không bị.

Lúc bắt đầu bán, đúng như dự đoán của tôi, sản phẩm đó hoàn toàn không bán được (cười). Tôi đã tuyển 40 nhân viên thời vụ để điều tra các gia đình khá giả đang có con nhỏ, và gửi họ dùng thử hàng mẫu. Sau đó, tôi tiến hành thăm dò sự hài lòng của khách hàng thông qua việc dùng thử mẫu, tôi bắt đầu quảng bá sản phẩm, dần dần số lượng khách hàng biết đến sản phẩm ngày càng tăng. Tôi đã mất 5 năm trời để mọi thứ đi vào quỹ đạo, không biết bao nhiêu lần nhân viên từng nói với tôi “mình bỏ cuộc thôi” (cười).

Tiếp theo là là làm đại lý bán sữa bột, sản phẩm này cũng tương tự như tã giấy, dần dần được người tiêu dùng công nhận sự khác biệt, lượng khách hàng cũng theo đó tăng dần. Từ gia công thủy sản cho đến tã giấy, sữa bột, tôi đều bắt từ con số không, khi chưa biết bất cứ điều gì về chúng.

―― Xin Cô cho biết lý do vì sao Cô giành được sự tin cậy từ các doanh nghiệp Nhật?

Mây: Tôi nghĩ sự tin cậy mà tôi nhận được là nhờ vào những thành quả mình đã gặt hái trong suốt thời gian qua, tôi thay mặt đối tác của mình để quảng bá thương hiệu của họ dưới góc nhìn của của người tiêu dùng Việt Nam. Tôi luôn ý thức được việc “Gia tăng khách hàng càng nhiều càng tốt dù chỉ một người”. Tôi sắp xếp đội ngũ sale support, sale promoter, triển khai các chiến dịch thích hợp để quảng bá thương hiệu, đồng thời quảng cáo trên TiVi và cả trên Internet.

Hiện tại: tập đoàn Lotus Group đang đang có khoảng 2000 người, trong đó có khoảng 400 người thuộc bộ phận Marketing. Sản phẩm do tập đoàn sản xuất và nhập khẩu lên đến 500 mặt hàng.

Bí quyết để người tiêu dùng Việt Nam mở ví tiền

―― Xin Cô cho biết thêm về hoạt động bên lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.

Mây: Kitchen Japan tại Parkson Lê Thánh Tôn là nhà hàng đầu tiên tôi mở. Kitchen Japan vừa là khu ẩm thực Nhật Bản với các mặt hàng mang nhãn hiệu riêng của Công ty, đồng thời cũng là Antenna Shop. Thông qua đó, tôi có thể tìm hiểu khách hàng quan tâm đến món ăn Nhật nào.

Tiếp theo là nhà hàng Marukame Udon, được khai trương vào năm 2014 tại AEON Tân Phú Celadon, đây là nhà hàng đầu tiên mà tôi bắt tay với đối tác chuỗi nhà hàng Nhật. Đối tượng khách hàng chính của nhà hàng là người Việt, thế nên tôi đã đắn đo làm sao để sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt. Ngoài hương vị, điều khiến tôi phải cân nhắc đó là độ dai của sợi mì. Sợi mì của Marukame là loại mì Sanuki Udon, đặc trưng của sợi mì này sẽ khiến cho thực khách Việt Nam vốn đã quen với sợi phở cảm thấy dai.Và thế là, tôi đã điều chỉnh lại độ dai của sợi mì trong phạm vi tối đa mà người Nhật có thể chấp nhận được.

Tiếp theo là nhà hàng Chiyoda Sushi được mở cửa vào năm 2016, cũng nhà hàng sushi đầu tiên tôi hợp tác với đối tác Nhật.

Và tiếp theo nữa là nhà hàng Cà ri CoCo Ichibanya được mở vào tháng 8 năm nay khai trương tại The Landmark 81 Hồ Chí Minh, tòa nhà cao nhất tại Việt Nam đang thu hút dư luận hiện nay.

―― Khác với các món mì và Sushi, người Việt Nam không có thói quen ăn cà ri đúng không?

Mây: Chính vì thế, đó là cơ hội kinh doanh cho tôi. Cà ri là linh hồn trong ẩm thực Nhật, là món ăn mang hương vị gia đình được nấu bởi bàn tay của người mẹ, và lại còn tốt cho sức khỏe, tôi đã quảng bá hình ảnh món cà ri như thế. Tôi nghĩ là món cà ri sẽ được giới trẻ đón nhận, đặc biệt là tôi chú trọng phần thiết kế của nhà hàng. Tôi đã yêu cầu nhà hàng phải có thiết kế phù hợp với các cặp đôi trẻ, bên trong nhà hàng rộng rãi được trang trí bằng nội thất sang trọng, và còn được đặt thêm cả ghế Sofa. Người Việt nam thường không thích đến các nhà hàng chỉ để ăn nhanh chớp nhoáng mà là thật sự thưởng thức hương vị món ăn một cách chậm rãi

Đối tượng khách hàng của các nhà hàng Nhật là các cặp đôi, nhóm bạn bè, và gia đình, những người yêu thích các món ăn Nhật, thích thử thách với cái mới. Đối tượng này có thu nhập vào khoảng 100 ngàn Yên mỗi tháng. CoCo Ichibanya đang có kế hoạch sẽ khai trương cửa hàng thứ 2 tại Aeon Tân Phú Celadon vào tháng 3 năm sau.

―― Gần đây Cô còn bắt đầu trồng cả rau.

Mây: Tôi hợp tác với nông dân Hokkaido, trồng dâu tại Lâm Đồng thuộc vùng tây Nguyên, và cũng tại đây, tôi cùng doanh nghiệp Hokkaido thành lập Công ty liên doanh, hợp tác trồng cà chua. Sản phẩm được bán rất chạy, có lẽ nhờ độ ngọt cao của trái cà chua. Đặc biệt là cà chua được trồng trên vùng cao hơn cả Hokkaido, nên có độ ngọt cao gấp 2 lần loại cà chua Việt Nam thông thường.

Có nhiều lời đề nghị muốn tôi kinh doanh thực phẩm Nhật, nhưng giá hàng “Made In Japan” đã cao thì hàng “Make In Hokkaido” lại càng cao gấp bội. Thế là tôi nghĩ, nếu vậy thì mình sẽ trồng rau và trái cây tại Việt nam với giống, Công nghệ và chất lượng giống y như tại Nhật Bản. Đến nay sản phẩm đã có mặt tại Aeon và các cửa hàng thực phẩm cao cấp.

―― Cô thật sự đã phổ biến rất nhiều “Nhật Bản” đến với người tiêu dùng Việt Nam. Xin Cô cho biết bí quyết của mình là gì?

Mây: Trước tiên là mình phải điều tra thị trường thật chính xác. Tiếp theo là cân nhắc xem liệu concept và đặc trưng của sản phẩm có phù hợp với người Việt Nam không. Cái quan trọng ở đây không phải là rẻ hay mắc, mà là người tiêu dùng Việt Nam có cảm thấy giá trị sản phẩm xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay không. Người Việt Nam vốn kỹ tính trong việc tiền bạc mà (cười).

Người Việt Nam vừa muốn được khỏe mạnh, vừa muốn sử dụng tiền cho con cái, và cũng vừa muốn sống trong ngôi nhà xinh. Để thực hiện tất cả ước muốn đó là chuyện không dễ dàng gì, thế nên người Việt Nam sẽ đặt ra thứ tự ưu tiên. Chuyện ăn uống, đặc biệt là việc ăn ngoài thì thường là vào một dịp đặc biệt gì đó, như sự kiện, tiệc hay hẹn hò. Và mình phải cân nhắc liệu có thể thuyết phục khách hàng sử dụng tiền vào những dịp đó không. Nếu có Công ty cạnh tranh thì mình cần phải học hỏi từ đối thủ, và làm nên sản phẩm có giá trị cao hơn họ.

Ngoài ra, người Nhật rất khéo léo trong việc sản xuất và chất lượng sản phẩm của người Nhật cứ dần dần tăng cao. Tuy nhiên, bao bì của sản phẩm lại không truyền tải được hết chất lượng sản phẩm. Chính vì chất lượng sản phẩm cao, mình càng phải thay đổi thiết kế bao bì để không chỉ thu hút sự chú ý của khách hàng vì vẻ đẹp và sự sang trọng của nó, mà đồng thời phải truyền tải được giá trị của sản phẩm đến người tiêu dùng.
Thế nhưng, mong muốn đem lại hạnh phúc cho đối tác, nhân viên và khách hàng bởi sản phẩm và dịch vụ cao cấp chuẩn Nhật chính là mơ ước của tôi. Đây cũng là Slogan của Tập đoàn, tôi và 2000 nhân viên của mình vẫn sẽ cùng nhau nỗ lực hết mình để đạt được ước muốn này.

LOTUS FOOD INVESTMENT & DEVELOPMENT JSC
Lê Vân Mây
Học vượt vào đại học, Cô được chính phủ Việt Nam cấp học bổng du học đại học ở Nga, trở thành sinh viên đại học năm nhất khi chỉ mới 16 tuổi. Sau khi về nước, Cô tiếp tục việc học của mình ở trường Ngoại thương. Sau khi tốt nghiệp, với kinh nghiệm tiếp thu từ quá trình làm việc tại các Công ty thương mại Nhật cũng như tại Hiệp hội xúc tiến thương mại Nhật Việt, Cô đã thành lập Công ty vốn là tiền thân của tập đoàn hiện tại, đến năm nay đã được 23 năm thành lập.