Sau khi xây dựng hai nhà máy ở phía Nam, năm 2019 nhà máy tại miền Bắc cũng được thành lập. YKK Việt Nam tự hào là một trong ba nhà máy trên thế giới của tập đoàn YKK có năng lực sản xuất hàng đầu. Trong tương lai, Bộ phận chức năng quản lý hoạt động kinh doanh tại ASEAN dự định đặt ở đây, đang kỳ vọng vào năng lực của Giám đốc Toru Shikita.
Ngành may mặc Việt Nam đang trên đà hồi phục
―― Tôi được biết công ty đã sang Việt Nam từ năm 1998.
Shikita: Đúng vậy. Năm 1999 chúng tôi thành lập nhà máy tại Khu công nghiệp Amata tỉnh Đồng Nai, đến năm 2013 chúng tôi xây dựng nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Đến đây giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn thành, kế đến là xây dựng nhà máy thứ 3 tại Khu công nghiệp Đồng Văn 3 tại tỉnh Hà Nam năm 2019.
Hiện tại, hơn 1 tỷ dây kéo được sản xuất hàng năm, và có khoảng 10.000 màu trong một năm. Trong tập đoàn YKK, ngoài Việt Nam, chỉ có nhà máy tại Trung Quốc và Bangladesh có thể sản xuất quy mô cỡ này .
Tuy nhiên, hiện tại (tại thời điểm viết bài này), số lượng sản xuất đã giảm một chút. Ở miền Bắc không có vấn đề gì nhưng ở miền Nam có một số quy định han chế hoạt động của nhà máy. Vì vậy, chúng tôi sử dụng kho hàng, cơ sở phân phối tại Amata làm nơi lưu trú và đưa đón nhân viên theo một tuyến đến Nhơn Trạch.
Sản lượng cao điểm trong ngành may mặc là từ tháng 3 đến tháng 6, dùng cho các sản phẩm thu đông và tháng 7 đến tháng 8 là khoảng thời gian hạ nhiệt, vì vậy chúng tôi hiện có thể đảm bảo lượng sản xuất. Ngành công nghiệp may mặc đã giảm trong năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã phục hồi trong nửa cuối năm và đã cải thiện đáng kể trong quý 1 và quý 2 năm nay.
―― Vì nguyên do gì vậy?
Shikita: Ở châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản, nơi có các nhà sản xuất quần áo lớn nhưng ngành công nghiệp may mặc hầu như không còn nữa nên các công ty đều gia công tại Trung Quốc và Việt Nam. Vì mất nhiều thời gian từ khi lên kế hoạch sản phẩm cho đến khi hàng đến được các cửa hàng, chúng tôi sẽ hỏi khách hàng ở khu vực nào sẽ bán những gì trong tháng 3 đến tháng 6 cho các mặt hàng thu đông từ năm nay sang năm sau. Ở đây, đơn hàng Mỹ tích cực áp đảo.
Năm ngoái, sản xuất đã bị kìm hãm do Covid-19, hàng tồn kho thấp, nhưng nếu tiến triển tiêm phòng, mọi người sẽ lại xê dịch đi đó đây. Do đó, mọi người cần quần áo để ra ngoài và đồ thể dục với giày vận động. Những kỳ vọng như vậy đang tăng lên ở Mỹ và một số nhà kinh doanh dự đoán việc mua sắm bắt đầu bùng nổ. Điều này cũng được kỳ vọng tại Anh ngay cả khi số người nhiễm bệnh tăng lên nếu tỷ lệ tử vong giảm .
Việt Nam đang gặp khó khăn khi chỉ nhìn vào thị trường nội địa, nhưng phần lớn ngành may mặc, trong đó có công ty chúng tôi là để xuất khẩu. Quần áo bán ở Việt Nam phần lớn được nhập từ Trung Quốc, vì nhiều loại có giá thành rẻ hơn so với hàng sản xuất trong nước.
Hiệu quả kinh doanh của chúng tôi đã được cải thiện cùng với việc mở rộng tiêm chủng ở Châu Âu và Mỹ, khối lượng đặt hàng hiện tại vượt quá năm 2019 lúc chưa có Covid-19.
―― Đây là một tin vui cho ngành may mặc Việt Nam cũng như công ty ông.
Shikita: Khi tôi được bổ nhiệm vào năm 2009, lúc ấy ngành công nghiệp may mặc của Việt Nam chủ yếu là nhà thầu phụ của các công ty có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, số lượng các công ty cải tiến năng lực kỹ thuật, chất lượng, năng lực sản xuất và khả năng trao đổi trực tiếp với các công ty lớn ở nước ngoài đã tăng lên.
Tôi ở Thượng Hải vào những năm 2000, các nhà máy may mặc Trung Quốc ban đầu là nhà thầu phụ cho nhà máy may mặc có vốn nước ngoài, họ đã học kiểm soát chất lượng và quản lý sản xuất trong thời gian đó, rồi sau này bắt đầu thực hiện công việc một cách độc lập. Điều này cũng đang dần bắt đầu ở Việt Nam.
Trung Quốc chiếm khoảng 40% sản lượng trong ngành may mặc, nhưng tốc độ đã chậm lại do Covid 19 và các nhà máy đang chuyển sang các nước khác. Nơi đến đầy hứa hẹn là Bán đảo Đông Dương, đại diện là Việt Nam. Những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có độ khó được sản xuất ở Việt Nam và Bangladesh, ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu may sản phẩm cho nội địa Trung Quốc.
Hơn một nửa số sản phẩm giày của các thương hiệu thể thao lớn được sản xuất tại Việt Nam, và tôi nghĩ rằng các đơn hàng may mặc sẽ tăng lên từ Việt Nam.
Quản lý hoạt động kinh doanh khu vực ASEAN từ Việt Nam
―― Có thay đổi nào về khách hàng là nhà sản xuất quần áo và nhà máy may mặc của quý công ty không?
Shikita: Thay đổi lớn là rút ngắn thời gian giao hàng. Có xu hướng loại bỏ việc tồn kho do nhận thức về môi trường được nâng cao và nhu cầu phong phú về chủng loại quần áo cộng với chu kỳ ngắn trong thời trang nhanh (fast fashion). Trước đây, từ khi lên kế hoạch cho đến khi hàng đến cửa hàng phải mất 2 năm, nhưng đã từ từ rút ngắn xuống còn 1 năm, 180 ngày, 75 ngày và 30 ngày, và bây giờ khoảng phân nửa số lượng là một tuần (cười).
Số lượng đơn đặt hàng dây kéo là rất lớn, và chúng tôi đã phát huy hiệu quả của nghiệp vụ gián tiếp. Vào năm 2018, chúng tôi đã bắt đầu ứng dụng RPA (Robotic Process Automation), trước đây phải mất từ 3 ngày đến 1 tuần để nhận đơn đặt hàng và gửi đến nhà máy, nhưng bây giờ chỉ mất 1 phút.
Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành số hóa, chẳng hạn như thay đổi quy trình sử dụng con người kiểm tra do chi phí nhân công rẻ sang AI. Tổng thời gian đã được rút ngắn đáng kể.
Điều giúp ích là tỷ lệ cung ứng tại Việt Nam được cải thiện. Trước đây, có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản và ASEAN, nhưng hiện các sản phẩm liên quan đến dệt may và hạt nhựa có thể được mua tại Việt Nam. Không có sự khác biệt nhiều về giá cả nguyên liệu, nhưng việc có thể vận chuyển đến ngay lập tức dù chỉ một lượng nhỏ là một lợi thế rất lớn.
Chúng tôi cũng đang xúc tiến chuyển đổi các nhà máy sang FA (Factory Automation- tự động hóa nhà máy ). Nhà máy Nhơn Trạch ở miền Nam phần lớn đã được chuyển đổi sang FA xong, và vào năm 2018 chúng tôi đã thành lập trung tâm R&D để phát triển sản phẩm. Chúng tôi có sẵn một hệ thống có thể phát triển kỹ thuật và chúng tôi thực hiện sản xuất xuyên suốt từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.
Nhà máy thứ ba ở miền Bắc sản xuất công đoạn sau, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu. Trong quá trình phát triển tiếp theo, tôi muốn sản xuất toàn bộ bằng hoặc cao hơn khu vực phía Nam. Số lượng nhân viên khoảng 2.200 người ở miền Nam và 600 người ở miền Bắc, chúng tôi đang xem xét việc mở rộng ở miền Nam, bao gồm cả Nhà máy số 1 của Amata.
―― Hãy cho chúng tôi biết kế hoạch tương lai của công ty ông.
Shikita: YKK đã có một cuộc cải tổ lớn vào tháng 4 năm nay. Kết quả là chúng tôi đã quyết định đặt Bộ phận chức năng quản lý hoạt động kinh doanh mảng dây kéo của ASEAN bao gồm Hàn Quốc và Đài Loan tại Việt Nam do các quốc gia ASEAN và Nam Á mới nổi có thị trường đang phát triển. Tôi được chỉ định trông coi tổng thể ASEAN.
Việt Nam có một trung tâm R&D và một lực lượng bán hàng ưu tú. Ngoài ra, chúng tôi đã đào tạo được những người phụ trách đã gắn bó với bộ phận 10 năm trở lên và nguồn nhân lực quốc tịch 8 nước ngày càng trưởng thành.Chúng tôi đang dự đoán tình hình bán đảo Đông Dương, trong đó có cứ điểm Việt Nam sau 4-5 năm nữa, cần phải làm gì, làm như thế nào và cần nguồn nhân lực ra sao. Phải mất hai đến ba năm kể từ khi ra quyết định đến khi chuẩn bị xong, vì vậy tôi muốn tiến hành càng sớm càng tốt.
Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009, tôi không thể nghĩ đến việc đưa Bộ phận chức năng quản lý hoạt động kinh doanh ASEAN đặt ở đây. Rõ ràng là Hồng Kông và Singapore là cứ điểm quản lý Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản đã xem xét thay đổi vị trí của Việt Nam, dựa vào sự phát triển YKK Việt Nam đưa nơi đây trở thành cứ điểm.
Điều này có xu hướng giống như không chỉ công ty chúng tôi mà cả các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, và số lượng người được bổ nhiệm tại nước ngoài tự đưa ra quyết định đã tăng lên trong vài năm qua.
Không chỉ xây dựng nhà máy để sản xuất, chúng tôi hiện có thể phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu thô và chúng tôi cũng đang xem xét phát triển các máy tự động ngoại vi cùng với các công ty sản xuất máy móc địa phương. Có thể làm công việc tận dụng tối đa khả năng sáng tạo của mình. Việt Nam có một nền tảng không thua gì các nước khác.