Công ty Hóa chất AGC Việt Nam được hình thành năm 2014 bằng việc mua lại một công ty địa phương. Dưới sự bảo trợ của Công ty hóa chất AGC (trước đây là công ty Asahi Glass Co., Ltd.) chuyên sản xuất và bán nhựa vinyl clorua (PVC) cho thị trường Việt Nam. Hãy cùng trò chuyện với Giám đốc Jo Yoshida về việc kinh doanh cùng với xu hướng của ngành này.
Thị trường tăng gấp đôi trong 8 năm
―― Hãy cho chúng tôi biết về công việc kinh doanh của công ty ông.
Yoshida: AGC (AGC. Inc) không chỉ có mảng sản xuất kính cho xây dựng và ô tô, mà còn có mảng hóa chất như một trụ cột trong hoạt động kinh doanh. Một trong những phân khúc chính của kinh doanh hóa chất là kinh doanh clo / kiềm (alkali). Các sản phẩm cốt lõi của hoạt động kinh doanh clo / kiềm của chúng tôi là xút và nhựa vinyl clorua (PVC).
Khi sản xuất xút, clo sẽ đồng thời được tạo ra. Bằng cách cho clo này phản ứng với ethylene có trong sản phẩm hóa dầu cơ bản để tạo ra monome vinyl clorua (VCM). Hơi dài dòng một chút (cười), chất VCM là nguyên liệu để sản xuất PVC, tại Việt Nam sản phẩm PVC này được sản xuất cho thị trường nội địa.
―― Sản xuất như thế nào?
Yoshida: Về hoạt động kinh doanh clo / kiềm của AGC Đông Nam Á, hiện đang đầu tư sản xuất tại 3 cứ điểm: 1 cơ sở ở Indonesia, 2 cơ sở ở Thái Lan, các cơ sở này đều cùng sản xuất xút. Cơ sở tại Việt Nam không sản xuất xút và VCM, chủ yếu nhập nguyên liệu VCM từ Indonesia, một công đoạn chuyên môn hóa trong sản xuất polymer.
Giải thích ngắn gọn công đoạn sản xuất như sau: PVC được tạo ra khi bỏ chất hóa học có phản ứng trùng hợp ban đầu vào hỗn hợp nước và VCM. Sau khi đem sấy khô tạo thành hạt sẽ đổ vào túi giấy hoặc túi 1tấn cho ra thành phẩm. Sản phẩm này được bán dưới tên thương hiệu “ASNYL”.
PVC là nguyên liệu nhựa thô. Nó được sử dụng rộng rãi cho đường ống, phim, vật liệu xây dựng cho sàn nhà, áo mưa, dép và các mặt hàng linh tinh khác. Tại Việt Nam, khoảng 60% được sử dụng cho đường ống. Liên quan nhiều đến cơ sở hạ tầng như ống nước, đường ống cho các tòa nhà và nhà máy, đường ống cho tưới tiêu nông nghiệp,v.v. Khách hàng của chúng tôi cũng là các nhà sản xuất ống và nhà sản xuất tấm nhựa địa phương.
Do phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản đang khởi động tại Việt Nam, PVC vốn là nguyên liệu cho sản xuất các đường ống nói trên, cũng đang có nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ. AGC mở rộng sang Việt Nam cũng là do dự đoán về xu thế tăng trưởng này.
―― Xin vui lòng cho chúng tôi biết tình hình kinh doanh từ khi sang Việt Nam đến nay.
Yoshida: Năm 2014, chúng tôi đã đầu tư vào một công ty địa phương là công ty Nhựa & Hóa chất Phú Mỹ (PMPC). PMPC ban đầu là công ty sản xuất và kinh doanh PVC được thành lập vào năm 2000 bởi Petronas – một công ty hóa dầu của Malaysia. Sau đó, từ năm 2016 công ty đổi tên thành AGC Chemicals Vietnam và giữ đến hiện tại.
Năng lực sản xuất hàng năm tại thời điểm mua lại là 100.000 tấn, nhưng hiện tại đã tăng lên khoảng 150.000 tấn. Đặc biệt, nhu cầu về PVC đã tăng nhanh trong 5 năm qua và nhu cầu nội địa hàng năm ở Việt Nam là khoảng 310.000 tấn trong năm 2012, nhưng năm 2019 đã tăng hơn gấp đôi lên khoảng 650.000 tấn.
Nhu cầu 650.000 tấn này là mức tiêu thụ lớn nhất ở Đông Nam Á trên cơ sở quốc gia. Ngoài công ty chúng tôi, có công ty TPC Vina – một công ty con tại Việt Nam của Công ty cổ phần Nhựa và Hóa chất Thái Lan sản xuất và bán khoảng 210.000 tấn.
Số lượng của 2 công ty cộng lại cũng không thể đáp ứng nhu cầu trong nước là 650.000 tấn. Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi nhập khẩu và bán PVC từ các công ty liên kết của chúng tôi ở Indonesia và Thái Lan. Tại Việt Nam, công ty chúng tôi và TPC Vina là hai công ty mạnh trong thị trường PVC, phần sản lượng không đủ sẽ được nhập chủ yếu từ Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.
Tăng sản xuất dù chỉ nhiều hơn 1 tấn để chiếm thị phần số 1
―― Nói cách khác Việt Nam là một thị trường được đánh giá cao ở Đông Nam Á nhỉ?
Yoshida: Đó là thị trường số 1 đầy hứa hẹn (cười). Ví dụ, nhu cầu hàng năm của Thái Lan là khoảng 520.000 tấn, so với khoảng 650.000 tấn tại Việt Nam. Mặc dù con số thấp, thị trường nhựa đa năng ở Thái Lan đã trưởng thành hơn và chúng tôi không dự đoán được nhu cầu tăng trong tương lai tại Thái Lan. Đây chỉ là một chỉ số tham khảo, nhưng mức tiêu thụ hàng năm trên mỗi người khoảng 8 kg, cao hơn 7 kg của Việt Nam.
Nhu cầu hàng năm ở Indonesia là khoảng 640.000 tấn. Mặc dù có dân số lớn và tiềm năng cao, nhưng tiêu thụ nhựa được đánh giá là vẫn còn thấp so với Thái Lan và Việt Nam. Đó là một thị trường của tương lai chứ không phải của hiện tại. Nhân tiện, mức tiêu thụ hàng năm trên đầu người ở Indonesia là khoảng 2kg, chỉ nhìn vào các con số cũng thấy giá trị kỳ vọng rất cao.
Trên thực tế, AGC cũng sản xuất PVC tại Thái Lan và Indonesia, và đang có khối lương xuất khẩu nhiều hơn khối lượng bán trong nước. Việt Nam là một trong những điểm đến xuất khẩu chính của cả hai nước. Đông Nam Á là khu vực chiến lược ưu tiên của AGC, chúng tôi vừa tăng cường kết hợp quản lý kinh doanh ở 3 nước, vừa bán các sản phẩm của AGC group ra thị trường.
Nhu cầu PVC hàng năm trên thế giới là khoảng 44 triệu tấn, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 18 triệu tấn. Một lượng tiêu thụ rất lớn. Nhật Bản tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn. Nhu cầu PVC toàn cầu đang tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và chúng tôi dự đoán sự gia tăng này trong dài hạn.
―― Tại sao có ít nhà sản xuất PVC tại Việt Nam?
Yoshida: Điều này có lẽ là do nhu cầu đối với PVC không quá lớn, quy mô thị trường không lớn và nguồn lực để sản xuất PVC không đủ ở Việt Nam. Để sản xuất VCM – một nguyên liệu thô cho PVC, đòi hỏi phải có một nhà máy điện phân sản xuất xút và clo, và một nhà máy hóa dầu sản xuất ethylene.
Caustic soda và ethylene là các sản phẩm hóa học có nhiều công dụng khác nhau được phân phối rộng rãi, nhưng số tiền đầu tư là rất lớn, nếu nhu cầu không cao thì khả năng sinh lợi nhuận thấp. Do đó, nhà máy sản xuất thường được đặt tại những khu vực có chuỗi cung ứng cho công nghiệp nặng.
Tại Việt Nam, chúng ta đã bị tụt lại phía sau do nền móng của nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp nặng như ô tô, thép và hóa dầu chưa phát triển. Tôi đoán đối thủ cạnh tranh TPC của chúng tôi cũng nhập VCM từ một công ty liên kết ở Thái Lan. Có thể nói, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu thô là một trong những rào cản khi gia nhập vào ngành này.
―― Ông có kế hoạch và dự định gì trong tương lai?
Yoshida: May mắn là chúng tôi đã có thể giữ cho nhà máy hoạt động bình thường trong đại dịch Corona. Mua hàng và bán hàng không bị ảnh hưởng đặc biệt, đang ở tình trạng bình thường. Tuy nhiên, có những lo ngại trong tương lai. PVC là một sản phẩm thị trường, và giá cả thị trường dao động tùy thuộc vào cung và cầu. Tùy thuộc vào xu hướng kinh tế trong tương lai, chúng tôi nghĩ rằng có khả năng nhu cầu và giá cả sẽ chựng lại.
Tại Việt Nam, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và bất động sản có thể chậm lại do ảnh hưởng của dịch Corona. Các khách hàng chính của chúng tôi, điển hình như nhà sản xuất ống có thể không mua hàng mới mà sử dụng PVC họ đang có trong kho. Các sản phẩm nhựa như PVC có chuỗi cung ứng dài từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, tác động của thị trường cuối cùng (end user) sẽ không rõ ràng ngay lập tức. Do đó, rất khó để biết trước được tình hình, nhưng tôi nghĩ rằng tình hình nhu cầu sẽ xấu đi trong ngắn hạn.
Mục tiêu của chúng tôi là tận dụng tốt nhất các thế mạnh của hệ thống ba quốc gia bao gồm cả Indonesia và Thái Lan để đạt được thị phần top đầu tại Việt Nam. Hiện tại, TPC Vina đang đứng đầu, và chúng tôi đang theo sát. Để đạt được mục tiêu của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục vận hành nhà máy ổn định, bao gồm tuân thủ an toàn và làm cho hệ thống nhập khẩu từ các chi nhánh Đông Nam Á của AGC trở nên trơn tru hơn, tạo nguồn cung ổn định cho khách hàng tại Việt Nam, chúng tôi cố gắng để có thể nhận được đánh giá tốt từ họ cũng như được họ liên lạc đầu tiên.