AAB VIETNAM phụ trách lên kế hoạch và tổ chức nhiều sự kiện khác nhau cho các doanh nghiệp Nhật Bản, từ sự kiện quy mô nhỏ đến các lễ hội lớn. Ông Kaizo Hirakushi, CEO của tập đoàn và là người đã góp phần đưa “phong cách kiểu Nhật” vào Việt Nam, vẫn đang tiếp tục hoạt động ở tuyến đầu.
Từ không có chiến lược đến mở rộng ra thế giới
―― Ông có thể cho biết bối cảnh mở rộng sang Việt Nam không?
Hiragushi:Khi tôi 24 tuổi, tôi trở thành Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần AAB và luôn bận rộn với công việc tại hiện trường. Khoảng 20 năm trước, tôi cảm thấy hơi chán công việc ở Nhật Bản. Thế là tôi quyết định đến Việt Nam chơi một chuyến và cảm thấy đất nước này rất thú vị, đó là cơ duyên để tôi bắt đầu.
Vào năm 2006, tôi thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM. Tuy nhiên, lúc đó tôi không có chiến lược rõ ràng gì cả (cười). Tôi chỉ đơn giản là thuê một văn phòng, thuê một sinh viên người Việt Nam làm nhân viên trực văn phòng, và bắt đầu dò dẫm khám phá thị trường. Người sinh viên đó hiện nay là đại diện người Việt Nam của AAB VIETNAM.
Kết hợp với chuyến du lịch, tôi đã đi khắp Việt Nam từ Bắc vào Nam, và trong chuyến đi đó, tôi đã làm quen với Giám đốc của các nhà thi đấu và những địa điểm tổ chức sự kiện ở nhiều nơi. Nghĩ lại, họ có lẽ là những quan chức địa phương, nhưng họ luôn tươi cười và nói: “Cậu là người Nhật à? Tôi có thể làm mọi thứ, nên nếu có gì khó khăn thì cứ đến tìm và trao đổi với tôi nhé!”
Dần dần, tôi bắt đầu nghe được những câu chuyện từ nhiều người khác nhau và phát triển được một mạng lưới quan hệ kết nối. Công ty tổ chức sự kiện cần đặt hàng rất nhiều thứ, từ địa điểm, âm thanh, ánh sáng, nhân sự cho đến an ninh, vệ sinh, và cả suất ăn, vì vậy mối quan hệ với người địa phương là cực kỳ quan trọng.
Khi mới bắt đầu, phụ trách người Nhật vừa được điều động đến công ty khách hàng của chúng tôi không hài lòng với sự kiện do công ty địa phương tổ chức. Ví dụ, họ thêm vào những màn nhảy không có ý nghĩa chỉ vì sản phẩm là dành cho giới trẻ. Thoạt nhìn điều này có vẻ đúng, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ tự hỏi liệu màn nhảy (?) đó có thực sự cần thiết không.
Mỗi sự kiện đều có mục đích rõ ràng, như quảng bá sản phẩm hay tăng cường nhận diện thương hiệu, và sự kiện là công cụ để đạt được những mục tiêu đó. Vì vậy, việc suy nghĩ kỹ càng về phương pháp để đạt được mục tiêu là rất quan trọng. Dù có vẻ như có vô vàn cách tiếp cận, nhưng thực ra lại chỉ có ít giải pháp đúng đắn.
Với quan điểm này, tôi kiên trì truyền đạt cho các doanh nghiệp Nhật Bản, và dần dần chúng tôi nhận được công việc. Số lượng nhân viên cũng tăng từ một, hai người lên vài chục người, và các thành viên ban đầu giờ đã ngoài 40 tuổi, trở thành những nhân tố chủ chốt trong công ty theo phong cách Nhật Bản.

―― Tập đoàn AAB đang thực hiện những công việc gì?
Hiragushi:Ngoài Việt Nam, chúng tôi còn có các cơ sở ở nước ngoài tại Philippines, Malaysia, Indonesia, EU (Pháp), và công việc chính của chúng tôi là quảng bá hình ảnh Nhật Bản tại địa phương.
AAB có văn phòng tại Tokyo và Osaka, nhận đơn đặt hàng từ các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành và nhiều bên khác cho nhiều dự án khác nhau, sau đó giao cho các nước thực hiện, bao gồm các sự kiện, triển lãm, trang web, phương tiện truyền thông xã hội (SNS), video, đưa tin trên phương tiện truyền thông,v.v. nhằm quảng bá sản phẩm, văn hóa và tài nguyên du lịch Nhật Bản ở nước ngoài.
Tập đoàn AAB có đội ngũ nhân viên người Nhật đã hòa nhập một nửa với văn hóa địa phương ở các quốc gia, và họ rất am hiểu về văn hóa cũng như tập quán thương mại. Họ truyền đạt thông tin thực tế từ địa phương đến Nhật Bản, xây dựng phương pháp truyền tải chính xác đến quốc gia đó và cung cấp dịch vụ với mức giá địa phương.

―― Trong đó, đặc trưng của công ty tại Việt Nam là gì?
Hiragushi:AAB VIỆT NAM là nơi đầu tiên chúng tôi mở rộng hoạt động ra nước ngoài và vì có lịch sử và thành tích khác so với các cở sở ở quốc gia khác nên doanh thu rất lớn. Ngoài ra, công việc từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại địa phương chiếm áp đảo so với các đơn hàng từ Nhật, với các công việc chủ yếu là tổ chức lễ khai trương, các hoạt động kỷ niệm, lễ ra mắt sản phẩm mới, tham gia triển lãm, các kế hoạch giải trí,v.v. cùng nhiều hoạt động quảng bá khác.
Thêm vào đó, công ty không có bộ phận bán hàng và hoàn toàn không thực hiện bất kỳ hoạt động bán hàng nào, cũng như hiếm khi tham gia các cuộc thi. Như đã đề cập ở trên, mỗi dự án đều có mục đích, khái niệm và cách tiếp cận khác nhau, vì vậy chúng tôi muốn cùng nhau trao đổi, thảo luận để tạo ra từng dự án. Vì lý do này, chúng tôi không đưa ra đề xuất trong các cuộc thi, mà thay vào đó giới thiệu thành tích của công ty và thuyết phục đối tác. Chúng tôi mong muốn nhận đơn hàng và thúc đẩy kế hoạch, chiến lược từ giai đoạn lập kế hoạch một cách hợp tác, không qua hình thức thi tuyển.
Ngoài công việc với các công ty cụ thể, năm ngoái chúng tôi đã tham gia vào sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật, bao gồm thiết kế “Logo 50 năm”,”Công viên ánh sáng”, và “bài hát hữu nghị Việt – Nhật: Tomodachi – Tình bạn”. Năm nay, chúng tôi đảm nhận sự kiện nổi tiếng tại Việt Nam “Japan Vietnam Festival” (JVF).

Đại lễ hội giao lưu Việt – Nhật !
―― Hàng năm chúng tôi đều đến viết bài, đưa tin về JVF.
Hiragushi:chú trọng “truyền tải rõ ràng những nét hấp dẫn của Nhật Bản mà người Việt yêu thích”.
Ví dụ, những khách mời Nhật Bản xuất hiện trên sân khấu năm nay không phải là các ngôi sao nổi tiếng được người Nhật cực kỳ yêu thích. Chúng tôi đã mời tuyển thủ nữ bộ môn Breaking đại diện Nhật Bản tại Olympic Paris, DJ tiểu học nắm giữ kỷ lục Guinness, và nhóm idol được yêu thích chủ yếu ở nước ngoài, tất cả nhằm tạo nên một sân khấu khiến khán giả Việt Nam hào hứng và có thể thưởng thức dù có biết tên tuổi họ hay không.
Ngược lại, về phần các nghệ sĩ Việt Nam thì chúng tôi mời những ca sĩ nổi tiếng. Có nhiều nghệ sĩ yêu thích phong cách làm việc theo kiểu Nhật của AAB, và vì chúng tôi dù là doanh nghiệp Nhật nhưng cũng hỗ trợ các buổi hòa nhạc và fan meeting của họ, nên đôi khi có thể đặc biệt mời họ tham gia biểu diễn thông qua mạng lưới quan hệ này.
JVF không chỉ là một lễ hội kéo dài trong 2 ngày, mà còn có rất nhiều hoạt động liên quan dành cho các doanh nghiệp tham gia, chẳng hạn như thử nghiệm thị trường, buổi giới thiệu trước sự kiện, hay các buổi gặp gỡ thương mại mang yếu tố B to B trước và sau lễ hội. Đối với các nhà hàng địa phương trong khu vực ẩm thực, chúng tôi cũng đề xuất sử dụng dịp này như một cơ hội để giới thiệu món mới với mức giá hợp lý.
Ngoài ra, JVF lần thứ 10 năm nay đã chọn một chủ đề đặc biệt: “Trẻ em – Trái đất – Tương lai”. Học sinh trường trung học từng tham gia cuộc thi Thư pháp Shodo Performance Koshien tại Nhật Bản đã đến thăm Việt Nam và tham gia giao lưu thư pháp với học sinh trung học Việt Nam, tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Vào tháng 11 năm ngoái, đoàn đại biểu võ đạo Nhật Bản đã sang thăm Việt Nam, và tại JVF lần này, các tuyển thủ được chọn từ Liên đoàn Sumo Nhật Bản cũng đã biểu diễn sumo. Nhờ những hoạt động này, Việt Nam hiện đang tiến hành thủ tục gia nhập Liên đoàn Sumo Quốc tế.
Các đơn vị triển lãm, trẻ em và Liên đoàn Sumo đều bắt đầu có sự giao lưu từ JVF. Cũng giống như lễ hội tại công viên, JVF mong muốn tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy giao lưu Việt – Nhật. Mục tiêu không chỉ là kết thúc với cảm giác “đã rất vui”, mà là kết nối và mở ra bước tiến tiếp theo.
―― JVF cũng được tổ chức lại vào năm sau phải không?
Hiragushi:Năm 2026 đã được ấn định là ngày 7 và 8 tháng 3. Địa điểm tổ chức vẫn là Công viên 23 tháng 9. Mặc dù sự kiện lần thứ 10 vừa kết thúc, nhưng công tác chuẩn bị cho năm sau đã bắt đầu, do đó đây thực sự là sự kiện kéo dài cả năm.
Năm nay chúng tôi đang có kế hoạch bắt đầu một điều mới và sẽ tổ chức JVF phiên bản Nhật Bản tại Tokyo vào ngày 1 và 2 tháng 11. Sự kiện có tên gọi là “JVF JAPAN 2025” (JVF Ho Chi Minh City Festival in JAPAN 2025).
Địa điểm tổ chức là Tokyo International Forum ở Yurakucho, với dự kiến có 100.000 khách tham dự. Như tên sự kiện đã đề cập, sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban Thực hiện JVF JAPAN và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu thúc đẩy tăng cường giao lưu giữa chính phủ và tư nhân.
Các lễ hội liên quan đến Việt Nam ngày càng tăng tại Nhật Bản, nhưng có vẻ như người tham dự là người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản đông hơn. Mục đích của chúng tôi ngược lại với JVF, chúng tôi truyền tải vẻ đẹp của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đến người dân Nhật Bản.
Không chỉ có cơ hội trải nghiệm ẩm thực, văn hóa và âm nhạc, chúng tôi còn dự định tổ chức các buổi hội thảo để tìm hiểu về thành phố Hồ Chí Minh và các buổi gặp gỡ thương mại giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Nếu có thời gian, các bạn độc giả hãy đến tham dự nhé!
