Với sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, Trường Đại học Việt Nhật bắt đầu khai giảng vào tháng 9 năm 2016 với tư cách là trường đại học thành viên thứ 7 thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Khởi đầu với khóa học thạc sĩ đa ngành và chương trình đại học của các khoa cũng đã bắt đầu từ năm ngoái. Hãy cùng trò chuyện với hiệu trưởng đầu tiên- ông Motoo Furuta.
Chính sách Đổi mới tất yếu xảy ra
―― Hãy cho chúng tôi biết ông đã trở thành một nhà nghiên cứu Việt Nam như thế nào?
Furuta: Khi tôi học cấp 3, chiến tranh Việt Nam rất khốc liệt, dường như cả thế giới đang xoay quanh Việt Nam. Ở trường đại học, tôi muốn nghiên cứu về Việt Nam, vì vậy tôi đã theo học chuyên ngành Việt Nam tại khoa Giáo dục khai phóng thuộc Đại học Tokyo. Tôi chủ yếu nghiên cứu về lịch sử hiện đại, chính trị, xã hội và ngoại giao của Việt Nam bắt đầu từ những năm 1930.
Năm 1977 và 1980, ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi dạy tiếng Nhật tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Vào thời điểm đó, tôi có hai lớp tiếng Nhật, hàng ngày tôi vừa dạy tiếng Nhật cho sinh viên vừa nghiên cứu về Việt Nam và học thêm tiếng Việt.
Hà Nội lúc bấy giờ thiếu thốn đủ thứ. So với bây giờ giống như một thế giới khác. Tôi đã mơ ước đến Việt Nam vì là nước tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, nhưng tôi đã bị sốc khi có sự khác biệt quá lớn giữa tưởng tượng của tôi ở Nhật Bản và thực tế khi sống ở đây. Tuy nhiên, con người vui vẻ, thân thiện và đường phố náo nhiệt thì xưa nay vẫn không đổi.
Sau đó, chính sách Đổi mới bắt đầu, tôi nghĩ rằng Việt Nam hướng tới công cuộc cải cách là điều tất yếu. Từ các hoạt động xương sống hàng ngày của người Việt Nam đã nhìn thấy mong muốn cải thiện cuộc sống tốt hơn ở mọi người.
Nhìn từ góc độ rộng, chính sách “Đổi mới” được tạo điều kiện thuận lợi từ “Cải tổ” (Perestroika) của Liên Xô cũ và “ Cải cách mở cửa” của Trung Quốc nhưng không phải là bản sao. Lý do buộc phải cải cách đã xuất phát từ nhu cầu bên trong của Việt Nam từ nửa cuối những năm 1970.
―― Trường Đại học Việt Nhật được thành lập như thế nào?
Furuta: Cơ duyên đến từ tuyên bố chung Nhật Bản – Việt Nam năm 2010 của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam bao gồm đề án xem xét “thành lập trường đại học chất lượng cao tại Việt Nam với sự hợp tác của Nhật Bản” . Các cuộc thảo luận của những người liên quan thuộc các trường đại học Nhật Bản đã bắt đầu tại Diễn đàn Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam và tôi đã tham gia ngay từ đầu với vai trò người tổ chức nhóm.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt thành lập vào năm 2014 và trường bắt đầu khai giảng từ năm 2016. Tôi được đề cử làm hiệu trưởng đầu tiên có lẽ vì tôi có mối quan hệ sâu xa với Việt Nam, giao lưu nhiều với những người có liên quan thuộc các trường đại học Việt Nam và có kinh nghiệm quản lý ở trường đại học Nhật Bản.
Mặc dù tôi đã có một mối quan hệ lâu dài với Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên tôi ổn định và tham gia vào lĩnh vực kinh doanh với tư cách là một người quản lý. Cũng có lo lắng nhưng tôi thấy rất thú vị khi Nhật Bản và Việt Nam cùng hợp tác để tạo ra một trường đại học mới. Tôi đã nhận công việc này như là công việc cuối cùng của mình.
Một trong những đặc điểm của Trường Đại học Việt Nhật là trường đại học công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chủ tịch là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, Trường Đại học Việt Nhật là trường đại học tổng hợp về khoa học và giáo dục khai phóng. Các trường đại học đã được thành lập ở Malaysia và Ai Cập với sự hợp tác của chính phủ Nhật Bản, cả hai đều là trường đại học kỹ thuật. Với ý nghĩa đó, Trường Đại học Việt Nhật có thể nói là một tổ hợp mới.
Các trường đại học Việt Nam có xu hướng nhấn mạnh chuyên môn hẹp do ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Mặc dù chúng tôi cũng có thế mạnh, nhưng chúng tôi có hai triết lý: giáo dục khai phóng và khoa học bền vững phù hợp với thế kỷ 21, nhằm phát triển nguồn nhân lực có tầm nhìn rộng và nguồn nhân lực có thể ứng phó với những thay đổi lớn.
Quy mô 6000 sinh viên trong tương lai
―― Có 8 chương trình đào tạo thạc sĩ.
Furuta: Đó là “Nghiên cứu khu vực”, “Quản trị kinh doanh”, “Chính sách công”, “Công nghệ nano”,
“Kỹ thuật hạ tầng ”, “Kỹ thuật môi trường”, “Biến đổi khí hậu và phát triển ” và “Lãnh đạo toàn cầu”. Bảy trường đại học Nhật Bản trở thành trường đại học thư ký cho mỗi chương trình, cùng với đội ngũ bên Việt Nam thiết kế chương trình giảng dạy và cử giảng viên sang.
Vào tháng 10 năm 2020, chúng tôi mở khoa đầu tiên là “Nhật Bản học”, dự định tháng 9 năm nay sẽ bắt đầu khoa “Khoa học và Kỹ thuật máy tính”. Hiện tại, có khoảng 200 sinh viên đại học và thạc sĩ, khoảng 10 giảng viên phía Nhật Bản và hơn 20 giảng viên phía Việt Nam.
Điểm quan trọng nhất của giáo dục khai phóng là có nhiều lựa chọn học tập và tự bản thân có thể lựa chọn chương trình học. Lúc đầu, cũng có ý kiến nói là có quá nhiều sự lựa chọn, nhưng bây giờ mọi người rất vui khi tự mình quyết định việc học của mình.
Kỳ thi vào Đại học Việt Nhật thực ra không khó lắm. Chương trình thạc sĩ có các yêu cầu về trình độ và có thể được thông qua nếu buổi phỏng vấn cho thấy một mức độ nhất định về khả năng học tập và sự nhiệt tình đối với một lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, chương trình thạc sĩ ở Việt Nam chủ yếu dành cho người đã đi làm, hầu hết các lớp học vào thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối. Riêng trường Đại học Việt Nhật đào tạo các lớp thạc sĩ vào ban ngày các ngày thường trong tuần và được dạy bằng tiếng Anh nên có thể là một trở ngại.
―― Xin vui lòng cho tôi biết về nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Furuta: Khóa sinh viên đại học vẫn chưa tốt nghiệp, nhưng có 60-70 sinh viên khóa thạc sĩ tốt nghiệp mỗi năm. Hơn 10 người trong số họ theo học chương trình tiến sĩ tại các trường đại học ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản, khoảng 15 người tìm được việc làm tại các công ty Nhật Bản tại Nhật Bản và Việt Nam. Số còn lại làm việc tại nhiều cơ sở nghiên cứu, giáo dục của Việt Nam cũng như các văn phòng chính phủ và các công ty tư nhân.
Chất lượng học sinh nhìn chung được đánh giá cao. Tuy nhiên, vì nhiều người lần đầu tiên học tiếng Nhật nên không phù hợp với tư cách là “nguồn nhân lực tiếng Nhật”. Một số công ty cho rằng tiếng Nhật không quá cần thiết vì đây là công việc kỹ thuật của nguồn nhân lực toàn cầu, tuy nhiên các công ty Nhật vẫn đề cao trình độ tiếng Nhật. Năng lực tiếng Nhật ở vị trí nào là một vấn đề cần được xem xét khi chúng tôi tiếp tục bổ sung thêm các chương trình khoa học của mình.
Từ đây đến năm 2025 chúng tôi có kế hoạch tăng số lượng các chương trình khoa học đại học, đặc biệt là các chương trình kỹ thuật. Năm tới chúng tôi sẽ mở thêm khoa “Kỹ thuật xây dựng” và “Nông nghiệp bền vững”. Năm tới nữa sẽ mở khoa “Kỹ thuật vật liệu” và “Cơ khí chính xác”, và sau đó là “Kỹ thuật môi trường” nằm trong khóa học thạc sĩ.
Tôi nghĩ rằng triết lý về giáo dục khai phóng đã bén rễ, vì vậy tôi muốn tạo ra một nơi thu hút sự kỳ vọng và quan tâm về chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật Bản,.
―― Rất tích cực nhỉ. Vui lòng cho chúng tôi biết về các kế hoạch khác.
Furuta: Đến năm 2025, chúng tôi có kế hoạch tạo ra một chương trình cho khoa Khoa học, đồng thời mở rộng quy mô chương trình “Nhật Bản học” để tăng khả năng tuyển sinh của khoa từ 100 người hiện nay lên 1000 người.
Ngoài ra, với khoản vay ODA của Nhật Bản, chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở tại Hòa Lạc, nơi có Khu Công nghệ cao Hòa Lạc gần Hà Nội. Bây giờ chỉ là trường học tạm thời, trường chính sẽ được xây dựng. Được chính phủ Việt Nam phê duyệt, dự án đang trong quá trình “nghiên cứu khả thi” và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Đến năm 2030, chúng tôi muốn nâng tổng số sinh viên lên 6000 người. Nghe có vẻ giống như một câu chuyện trong mơ (cười).
Trường Đại học Việt Nhật cuối cùng đã hình thành nền tảng, việc quản trị như một trường đại học vẫn chưa trôi chảy lắm. Tôi hy vọng rằng đội ngũ nhân viên của cả hai nước sẽ không chia tách mà hợp tác cùng nhau để tạo một hệ thống quản trị chung. Ngoài ra, trong tương lai có nhiều dự án ODA và chỉ các trường đại học có thể chuyển sang hoạt động như một tổ chức mới có thể đáp ứng các kế hoạch lớn. Bây giờ chúng tôi đang trong quá trình xây dựng nền móng.