ベトナムビジネスならLAI VIENにお任せください!入国許可、労働許可証、法人設立、現地調査、工業団地紹介などあらゆる業務に対応します!お気軽にご相談ください!

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo Vol.50
Consulate General of Japan in HCMC

Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ quen thuộc đối với các doanh nhân Nhật Bản sinh sống tại miền Nam Việt Nam. Điều bất ngờ là nội dung công việc của nơi đây lại không được biết đến nhiều, nhưng từ sau khi hỗ trợ tiêm vắc-xin cho công dân Nhật Bản vào năm ngoái thì sự hiện diện của nơi này trở nên nổi bật. Chúng tôi đã phỏng vấn ngài Tổng lãnh sự Nobuhiro Watanabe để kỷ niệm cho tạp chí số 150.

Những điều nhận được từ mối quan hệ tin cậy hàng ngày

―― Đến nay ông đã được bổ nhiệm đến nhiều quốc gia khác nhau.
Watanabe: Việt Nam là nước thứ ba ở Châu Á, nên tôi nghĩ tôi có thể nói rằng mình đã quen với khí hậu nóng ẩm (cười). Tôi không thể so sánh đơn giản vì được bổ nhiệm vào những thời điểm khác nhau, nhưng tôi cảm nhận được sự trẻ trung và sôi nổi của Việt Nam. Vì là một đất nước rất năng động nên tôi cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng theo, ngoài ra tôi cũng cảm nhận rõ ràng sự kỳ vọng của Việt Nam vào Nhật Bản.
Năm 2004-2005, tôi có đi công tác tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. TP.Hồ Chí Minh có ánh sáng ban đêm ấn tượng, tuy cùng một quốc gia nhưng tôi thấy Hà Nội lại mang một vẻ khác.
Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ thân thiết và gần gũi, nhiều công ty Nhật Bản đang kinh doanh tại đây. Tôi rất vui khi được làm việc ở một đất nước như thế.

―― Xin ông cho biết vai trò và công việc của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản (Tổng Lãnh sự quán) tại TP.Hồ Chí Minh.

Watanabe: Một trong những nhiệm vụ chính của chúng tôi là đảm bảo an toàn, an tâm cho những cư dân Nhật Bản sinh sống tại hơn 20 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung và miền Nam Việt Nam, bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, giúp đỡ các doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến thương mại sang Việt Nam và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh cho các công ty cũng đóng một vai trò quan trọng.
Có một số tỉnh không có cư dân Nhật Bản đăng ký lưu trú nhưng tôi vẫn muốn đến thăm tất cả các tỉnh thành càng nhiều càng tốt vì có quan hệ kinh tế với Nhật Bản. Đến hiện tại tuy khó thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tôi muốn tích cực đến thăm trong tương lai.
Tổng Lãnh sự quán cũng giúp đỡ sự hợp tác giữa các tỉnh thành của Việt Nam và Nhật Bản, đến nay đã có hơn 70 các tổ chức đoàn thể và tỉnh thành ký kết các biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Những nội dung này đã thay đổi theo thời gian, chẳng hạn như: kinh doanh, đầu tư, trao đổi nhân sự, xúc tiến du lịch,v.v.
Năm ngoái, do sự lây nhiễm lan rộng của làn sóng thứ 4 Covid-19, chúng tôi đã xúc tiến việc tiêm vắc-xin cho người Nhật sinh sống tại đây. Cùng với sự hợp tác của Bệnh viện Quân y 175 tại quận Gò Vấp, chúng tôi đã phụ trách hướng dẫn tại điểm tiêm chủng, phiên dịch Nhật – Việt và hỗ trợ bảo trì hệ thống. Từ tháng 9 đến tháng 11 đã tổ chức vài lần, chúng tôi đặt mình vào vị trí đang lo lắng, bất an của tất cả mọi người để cố gắng thực hiện chu đáo.
Vào tháng 6 và tháng 7 năm nay, cùng với sự hợp tác của Bệnh viện Nhi Đồng 2, chúng tôi đã tiêm vắc-xin cho con của người Nhật Bản.
Tôi đã nhận được yêu cầu mạnh mẽ từ hội phụ huynh về việc tiêm vắc-xin Pfizer cho con trẻ nên tôi đã gặp Giám đốc sở y tế của thành phố trực tiếp đề nghị hợp tác tiêm chủng. Vài ngày sau, tôi được thông báo rằng Pfizer đã về đến, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Với việc tiêm vắc-xin cho người lớn cũng thế, tôi thật sự cảm nhận được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tin cậy với phía Việt Nam hàng ngày.

―― Nhật Bản tiếp tục hợp tác và hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam.

Watanabe: Nhật Bản là nước tài trợ lớn nhất của Việt Nam, nhà nước và tư nhân đang làm việc cùng nhau để phát triển cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, đường sắt, sân bay, bến cảng, cầu,v.v. Phía Nam có nhiều công trình lịch sử như bệnh viện Chợ Rẫy, nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Cần Thơ,v.v.
Ngoài các dự án quy mô lớn này, Tổng Lãnh sự quán cũng chủ đạo viện trợ cho các dự án cấp cơ sở ở các địa phương(Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (GGP). Đây là những dự án tương đối nhỏ với chi phí không quá 10 triệu yên, chẳng hạn như bảo trì các bệnh viện nhỏ và trường tiểu học, sửa chữa cầu đường,v.v. 1 năm có từ 5 đến 10 dự án.
Chúng tôi đang xét tuyển rộng rãi khắp các tỉnh, thành phố trong nước để nhận các dự án xin viện trợ, dần dà chúng tôi cũng được biết đến nhiều hơn. Tất nhiên, các dự án quy mô lớn là quan trọng, nhưng việc cải thiện môi trường sống của cộng đồng địa phương cũng giúp tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, và tôi rất vui khi có thể tham gia vào những dự án này.

Năm tới tất cả mọi người hãy cùng tham gia

―― Cũng có chính sách kiểm soát biên giới phòng chống Covid-19 của Nhật Bản, người Việt Nam đến thăm Nhật Bản sẽ bắt đầu từ giờ.

Watanabe: Đúng là hiện tại đến Nhật với mục đích du lịch còn nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng có một số lượng đáng kể người Việt Nam đang mong muốn được đến thăm Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực để mọi người biết đến sức hấp dẫn của Nhật Bản.
Ví dụ, chúng tôi đã sử dụng nhà ở công vụ của Tổng lãnh sự quán để thực hiện các hoạt động thu hút mọi người đến với các tỉnh thành của Nhật Bản. Chúng tôi đã mời các công ty Việt Nam và các bên liên quan đến để giới thiệu các điểm tham quan của tỉnh Fukushima, tỉnh Yamanashi, rượu sake và các sản phẩm địa phương. Vì đã được đánh giá tốt nên chúng tôi dự định sẽ tiếp tục thực hiện. Ngoài ra, có tỉnh thành của Nhật đã cử người đứng đầu sangViệt Nam để chào hàng, do đó chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác với các tỉnh thành đó.
Hơn nữa, còn có tổ chức “Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản” do những người đã từng du học Nhật Bản giúp sức tổ chức hội thảo về du học Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng tiếng nói từ những người Việt Nam biết đến sự tốt đẹp của Nhật Bản sẽ vang đến người Việt Nam nhiều hơn là từ chúng tôi.
Như một hoạt động truyền bá tiếng Nhật, chúng tôi tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Nhật dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông hàng năm với sự hợp tác của JCCH. Chúng tôi cũng sử dụng cơ sở vật chất của Tổng Lãnh sự quán tổ chức các buổi chiếu phim dành cho sinh viên đại học.
Qua các hoạt động này, tôi nhận thấy rằng mặc dù giới trẻ Việt Nam rất quan tâm đến Nhật Bản, nhưng ít có cơ hội nói tiếng Nhật và rất thiếu giáo viên tiếng Nhật. Ngoài ra, mặc dù không thể tổ chức các sự kiện trực tiếp do đại dịch Covid-19, nhưng gần đây có thể tổ chức các buổi workshop về trà đạo với sự hợp tác của các công dân Nhật Bản sinh sống tại đây. Trong tương lai, tôi muốn tạo cơ hội để trải nghiệm trực tiếp văn hóa Nhật Bản một cách thực tế.

―― Năm tới là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Watanabe: Tôi muốn cùng với tất cả mọi người làm cho nó trở nên thú vị hơn. Một Ủy ban điều hành đã được thành lập để chuẩn bị cho sự kiện này, và đã bắt đầu các hoạt động để chứng nhận cho kỷ niệm 50 năm. Logo cũng được thiết kế và thu hút rộng rãi ra công chúng, hiện tại đang trong giai đoạn bàn bạc và quyết định (tại thời điểm phỏng vấn).
Ý tưởng chủ đạo là “nắm chặt tay nhau tiến đến tương lai, hướng ra thế giới”. Không chỉ đơn giản là một lễ kỷ niệm, tôi muốn tạo ra một dự án nhìn lại quỹ đạo 50 năm của ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam và đặt nền tảng cho 50 năm tiếp theo để cả hai quốc gia có một bước tiến nhảy vọt trên trường quốc tế và thực hiện dự án trên cơ sở quan hệ đối tác bình đẳng, bởi vì Nhật Bản và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp theo “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”.
Tôi có một đề nghị gửi đến đọc giả báo ACCESS. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người tham gia vào các vòng kết nối và hoạt động nhóm khác nhau, vì vậy cũng hãy tham gia vào dự án kỷ niệm thông qua các hoạt động đó. Chúng tôi đang hướng tới một dự án với sự tham gia của tất cả mọi người, và thông qua tạp chí chúng tôi kêu gọi, mong nhận được sự hợp tác của các bạn.
Vì chúng ta đang đứng trước 1 năm lịch sử chứng kiến lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, chúng tôi muốn bạn cùng để lại dấu ấn của mình. Người chơi là tất cả mọi người ở đây, bây giờ. Mọi thắc mắc hãy vui lòng liên hệ với Tổng Lãnh sự quán.

―― Xin ông hãy gửi lời nhắn đến các doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam.

Watanabe: Tôi nghĩ năm rồi các bạn đã gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là sau làn sóng thứ 4, có sự cách ly xã hội cũng như quy định về các hoạt động hết sức nghiêm ngặt, chắc mọi người cũng có cảm giác không dễ chịu lúc đó. Nền kinh tế và đầu tư đang tăng trưởng ổn định trong năm nay nhưng do dịch Covid-19 nên vẫn sẽ gặp phải nhiều khó khăn khác nhau trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Khi ấy, chúng tôi mong muốn giúp đỡ mọi người hết sức mình, vì vậy hãy vui lòng liên hệ với chúng tôi. Các bạn là trụ cột hỗ trợ cho mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam. Tôi rất kỳ vọng vào các hoạt động trong tương lai.

Consulate General of Japan in HCMC
Nobuhiro Watanabe
Sau khi tham gia vào Bộ Ngoại giao, ông làm việc tại các trụ sở ở nước ngoài như: Tổng lãnh sự quán Madras (hiện là Chennai) ở Ấn Độ, Văn phòng đại diện thường trực của Nhật Bản tại tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), Đại sứ quán Nhật tại Philippines và Tổng lãnh sự quán Nhật tại San Francisco tại Mỹ. Tháng 6 năm 2020, ông đảm nhận chức vụ Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh.