Giám đốc Megumi Katsu công ty MORE Production Việt Nam được Bộ ngoại giao Nhật Bản trao tặng bằng khen (2019) về hoạt động phổ biến tranh truyện (Ehon) Nhật Bản tại Việt Nam. Bà vừa phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, vừa tích cực bán, quyên góp và đọc tranh truyện (Ehon) cho trẻ em.
Từ biên tập viên đến thành lập cơ sở kinh doanh
―― Nghe nói bà đã đến Việt Nam để nhiếp ảnh phải không?
Katsu: Vâng. Sau khi có kỳ nghỉ dài ở trường dạy nhiếp ảnh, để chụp hình làm tác phẩm cá nhân, ban đầu tôi dự định ở lại khoảng nửa năm. Vậy mà đã ở hơn 20 năm luôn. (cười).
Tôi đến Hà Nội vào năm 2002 và bắt đầu công việc bán thời gian tại một công ty du lịch Nhật Bản. Lúc đầu tôi làm ở bộ phận lữ hành, sau đó tôi trở thành nhân viên chính thức và kiêm luôn công việc biên tập báo giấy miễn phí (free paper). Tôi thu thập thông tin viết bài, chụp ảnh, viết lời, hướng dẫn thiết kế để làm tạp chí định kỳ hàng tháng.
Khi đó công việc báo giấy miễn phí phát triển, tôi được giao phụ trách chuyên biên tập cho chi nhánh Hà Nội. Tuy nhiên, tôi muốn làm công việc của riêng mình nên vào năm 2013 tôi thành lập MORE Production Vietnam cùng với người bạn thân là Hiền (Lê Thị Thu Hiền).
Công việc của MORE bao gồm biên tập tạp chí trên máy bay cho các chuyến bay Nhật Bản của các hãng hàng không và sản xuất các ấn phẩm quảng cáo (pamphlet) cho các công ty, cơ quan chính phủ. Khi công việc mở rộng, tôi bắt đầu các nghiệp vụ như: phối hợp với các tạp chí và sách hướng dẫn (guidebook) của Nhật Bản thu thập thông tin tại Việt Nam để viết bài, sắp xếp các sự kiện,v.v. Gần đây, tôi cũng đang làm các bản tin nội bộ cho các công ty, biên tập các tạp chí dành cho người Việt,v.v.
Một người quen của tôi đã gặp khó khăn và nhờ tôi, người đó nói :“Ở Việt Nam khó tìm được người làm những việc này, Katsu có thể làm không?” nên tôi đã nhận lời. Quả thật cũng vất vả (cười) nhưng có nhiều cơ hội để đón nhận thử thách, nhờ đó số lượng nhân viên đã tăng lên 14 người.
―― Để phổ biến tranh truyện (Ehon) Nhật Bản tại Việt Nam, vào tháng 9 năm 2017 bắt đầu “MOGU Picture Book Project” (Dự án tranh truyện (Ehon) MOGU).
Katsu: Cho đến năm 2017, có nhiều công việc hướng đến người Nhật, nhưng sau đó lượng công việc quảng bá về Nhật Bản đến người Việt Nam tăng lên. Đó là một bước ngoặt đối với công ty chúng tôi.
Tranh truyện (Ehon) ở Việt Nam rất ít, hầu như không có văn hóa này. Hiền – cộng sự của tôi rất ấn tượng với những cuốn tranh truyện (Ehon) Nhật Bản và đã đọc cho các con của mình nghe, năm 2014 cô ấy bắt đầu hoạt động đọc tranh truyện (Ehon). Ước mơ của cô ấy là quảng bá rộng rãi tranh truyện (Ehon) Nhật Bản đến Việt Nam, và cũng đã trở thành ước mơ của tôi.
Tuy nhiên, đơn giá tranh truyện (Ehon) rẻ, kinh doanh mảng này tôi không rành. Trong khi đang suy nghĩ, cân nhắc, tháng 3 năm 2017 hoàng hậu Michiko (hiện là Hoàng hậu Emerita) đã đến thăm Việt Nam, lời nói của bà đã tạo ra hướng đi cho tôi.
Chúng tôi gặp nhau tại buổi lễ đón tiếp do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Khi được hỏi “Ước mơ của cô là gì?” tôi đã trả lời “Là phổ biến tranh truyện (Ehon) Nhật Bản đến với trẻ em Việt Nam”, bà đã cổ vũ tôi “Cố gắng lên nhé!”. Và tôi đã có dũng khí.
Sau đó, Giáo sư danh dự của Đại học Waseda là Giáo sư Yoshiharu Tsuboi, người có 49 năm nghiên cứu về Việt Nam đã giới thiệu chúng tôi với các công ty tài trợ, chúng tôi đã nhận được tiền hỗ trợ xuất bản từ ba công ty. Tuy nhiên, cách thức làm việc với các tác giả tranh truyện (Ehon), các nhà xuất bản, cũng như hợp đồng bản quyền tôi đều không biết. Vì vậy, tôi đã liên hệ với nhà xuất bản sách thiếu nhi nổi tiếng là Fukuinkan Shoten và đã đi Nhật Bản để trình bày.
Tôi đã thành thật nói rằng chúng tôi có thể dịch và in sách, nhưng không biết cách trao đổi về bản quyền với các nhà xuất bản Nhật Bản nên đã được hướng dẫn cách làm.
―― Vậy là bà đã có thể xuất bản tranh truyện (Ehon) rồi nhỉ ?
Katsu: Vào tháng 6 năm 2017, ba quyển tranh truyện (Ehon) là “Những người bạn trên cơ thể” (Tác giả Taro Gomi), “Hạt Da Trời” (Tác giả Rieko Nakagawa) và “Bạn Voi Đi Dạo” (Tác giả Hirotaka Nakano) đã được dịch và xuất bản, mỗi truyện 10.000 bản. Chúng tôi đã rất vui mừng!
Tôi đã chọn 3 quyển này. Do từ xưa tôi đã là fan hâm mộ của tác giả Gomi, quyển “Hạt da trời” là cuốn sách yêu thích hồi bé của tôi và “Bạn voi đi dạo” là một quyển phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Hiền là người phụ trách phần dịch, cô ấy đã chăm chút rất nhiều. Bản gốc của “Những người bạn trên cơ thể” font chữ phỏng theo chữ viết tay, nên phiên bản tiếng Việt cũng muốn làm font chữ cho thú vị, vì vậy Hiền đã làm font chữ từ chữ viết của con cô ấy. Một font chữ đặc biệt cũng được sử dụng trong quyển “Bạn voi đi dạo”. Ngoài ra, về việc in ấn, chúng tôi đã nhờ một nơi mà chúng tôi nghĩ có chất lượng cao nhất ở Hà Nội, nhưng mức giá được cân nhắc trong phạm vi tối đa 25.000 đồng/ quyển.
Chúng tôi ý thức việc truyền tải nguyên vẹn quan điểm thế giới quan của các tác giả Nhật Bản. Chúng tôi lựa chọn các từ tiếng Việt đơn giản, dễ hiểu kèm theo những từ tượng thanh, tượng hình độc đáo của tiếng Nhật. Chúng tôi thật sự không muốn làm ra một quyển tranh truyện (Ehon) chỉ được dịch theo nghĩa đen mà không nghĩ đến nhịp điệu ngôn từ và sự liên kết.
Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để làm việc như một đội ăn ý, và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhận được phản hồi tốt cho điều này. Tinh thần thử thách lúc đó đến nay vẫn còn đọng lại trong công ty.
Phổ biến tranh truyện (Ehon) có lợi nhuận và phi lợi nhuận
―― Bà có bán tranh truyện (Ehon) ở nhà sách không?
Katsu: Do Việt Nam không có kênh phân phối dạng như các công ty đại lý giống Nhật Bản, khó để thương thảo với các nhà sách nên ban đầu chủ yếu nhờ các công ty Nhật Bản mua cho nhân viên. Sau đó mới mở rộng giao dịch trực tiếp với từng nhà sách và hiện đã bán tại khoảng 300 nhà sách, với giá thị trường từ 25.000 đến 65.000 đồng. Tuy nhiên, do chúng tôi đã nhận tiền tài trợ xuất bản từ các công ty Nhật Bản,v.v., nên chúng tôi muốn sớm có lợi nhuận từ công việc kinh doanh này.
Song song với việc bán hàng trên thị trường như vậy, chúng tôi cũng bắt đầu các hoạt động phi lợi nhuận. Vào tháng 10 năm 2019, chúng tôi thành lập “Quỹ Bắc cầu”- một tổ chức phi lợi nhuận, là dự án gửi tranh truyện (Ehon) cho trẻ em trên khắp Việt Nam từ tiền quyên góp của các cá nhân và công ty. Chúng tôi cũng đọc tranh truyện (Ehon) và tổ chức các cuộc thi sáng tác truyện cổ tích.
Các điểm quyên góp là bệnh viện vùng ven, khoa nhi, nhà trẻ, v.v., chúng tôi đến thăm, đọc tranh truyện (Ehon) cho các em cũng như hướng dẫn cách đọc tranh truyện (Ehon). Vì tôi lớn lên ở nông thôn nên có một số điều tôi có thể hiểu được, đặc biệt là ở miền núi có rất nhiều trẻ em chưa bao giờ được xem một cuốn tranh truyện (Ehon).
Một đứa trẻ chưa biết biển, thông qua tranh truyện (Ehon) sẽ biết đến biển, biết một thế giới mới. Tranh truyện (Ehon) là phương tiện tốt nhất và dễ dàng nhất để truyền tải thông điệp hòa bình, đạo đức, tình thương, nỗi buồn,v.v. Các nơi được quyên góp sẽ nhận thấy được tầm ảnh hưởng một cách rõ ràng nhất khi thấy dáng vẻ vui vẻ, hạnh phúc của các bé lúc nghe tranh truyện (Ehon).
―― Bà đã xuất bản bao nhiêu tranh truyện (Ehon) cho đến nay (đến thời điểm phỏng vấn)?
Katsu: Là 106 truyện. Tôi đã đặt mục tiêu xuất bản 100 truyện trong 5 năm vào năm 2017 và tôi đã đạt mục tiêu. Tuy nhiên, ngay cả khi số lượng vượt quá 100 truyện thì đó cũng không phải là môi trường để trẻ có thể lựa chọn những cuốn sách yêu thích của mình. Ở Nhật Bản, có hàng ngàn quyển tranh truyện (Ehon) và thư viện thì đầy ắp.
Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhưng có rất nhiều quyển tranh truyện (Ehon) Nhật Bản được ưa chuộng trên khắp thế giới, chẳng hạn như series tranh truyện (Ehon) “Guri và Gura”. Một lần nữa tôi cảm thấy những điều tốt đẹp vượt qua biên giới quốc gia và thế giới quan được chia sẻ. Phổ biến tranh truyện (Ehon) đã trở thành công việc cả đời tôi, và tất nhiên tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để sản xuất và biên tập những ấn phẩm khác như: tạp chí trên máy bay,v.v.
Tôi đến từ vùng núi, mất một giờ đi bộ để đến trường tiểu học, ước mơ của tôi khi còn nhỏ là “Tôi muốn được đi máy bay một lần trong đời”. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được rằng tôi sẽ sống ở nước ngoài và nói một ngôn ngữ khác khi làm việc. Tôi nghĩ có được như bây giờ là nhờ mỗi lần tôi đã tiếp tục làm những việc mà tôi yêu thích.
Vì vậy, không có mục tiêu lớn lao nào mà chúng tôi đặt ra. Tôi hy vọng rằng công ty, nhân viên và tôi sẽ từng bước phát triển khi mỗi ngày chúng tôi tiếp tục làm những gì có thể cho Việt Nam.