Bảo hiểm MSIG (Việt Nam) được thành lập với tư cách là công ty bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn đầu tiên từ Nhật Bản. Trong những năm gần đây đã cùng với các công ty đối tác tập trung vào phân khúc bán lẻ và cũng đang nỗ lực đẩy mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật số. Hãy cùng trò chuyện với ngài Kenichi Kondo – Phó Giám đốc kiêm Trưởng Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Sản phẩm bán lẻ dành cho người Việt Nam
―― Xin vui lòng cho chúng tôi biết quá trình gia nhập và phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Kondo: Chúng tôi mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 1994 và tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995. Sau đó, năm 2009 chúng tôi thành lập công ty Bảo hiểm MSIG (Việt Nam) (Mitsui Sumitomo Insurance Việt Nam) và bắt đầu hoạt động trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại Hồ Chí Minh. Chúng tôi hiện có khoảng 100 nhân viên tại Hà Nội và 60 nhân viên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban đầu, chúng tôi tập trung vào bảo hiểm phi nhân thọ hướng đến các công ty Nhật Bản, nhưng vào năm 2005, trụ sở chính tại Nhật Bản đã mua lại một công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Đài Loan để mở rộng phạm vi bảo hiểm sang các công ty nước ngoài khác không phải Nhật Bản. Chúng tôi chủ yếu tiếp cận các công ty Đài Loan và Trung Quốc.
Đối với khách hàng là các công ty Việt Nam, ngay từ khi thành lập chúng tôi đã có bộ phận Bancassurance, chủ yếu bán bảo hiểm thông qua các ngân hàng liên kết tại Việt Nam. Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng bán các sản phẩm bảo hiểm của các công ty khác. Chúng tôi bắt đầu “kinh doanh hợp tác”, để các khách hàng, đặc biệt là khách hàng Việt Nam biết nhiều hơn về bảo hiểm của chúng tôi.
Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho dự án này vào khoảng năm 2017 và bắt đầu việc bán lẻ từ năm 2019 với sự hợp tác của các công ty đối tác.
―― Nội dung công việc ra sao?
Kondo: Song song với việc bán tại quầy của các ngân hàng nội địa, chúng tôi chủ yếu bán bảo hiểm trực tuyến thông qua các doanh nghiệp thương mại điện tử, công ty thẻ tín dụng, phi ngân hàng, đại lý du lịch, v.v. Chúng tôi đã thành lập một bộ phận chuyên trách để củng cố các nghiệp vụ B2B2C này.
Trên trang web của EC, người mua thiết bị gia dụng, điện thoại thông minh,v.v. sẽ được giới thiệu về bảo hiểm tài sản lưu động, bảo hiểm thiệt hại trong quá trình vận chuyển. Các công ty thẻ tín dụng và phi ngân hàng bán bảo hiểm ô tô cho các khoản vay mua xe và bảo hiểm cháy nổ cho các khoản vay mua nhà, các công ty du lịch bán bảo hiểm du lịch cho các chuyến đi tham quan.
Một công ty bảo hiểm phi nhân thọ như chúng tôi có thể xử lý nhiều loại bảo hiểm khác với bảo hiểm nhân thọ, vì vậy chúng tôi có thể đưa ra các sản phẩm khác nhau cho các khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, cần phải có giấy phép để bán bảo hiểm. Do đó chúng tôi đã tổ chức các buổi đào tạo và mời các công ty đối tác tham dự nhằm hỗ trợ việc lấy giấy phép.
Chúng tôi có khoảng 30 công ty đối tác, và số lượng đang tăng lên hàng tháng. Trước đây, khoảng 90% doanh số bán hàng là cho các công ty Nhật Bản, nhưng hiện nay hoạt động kinh doanh đối tác đã tăng lên khoảng 30%. Mặc dù đơn giá của bảo hiểm cá nhân thấp hơn so với bảo hiểm cháy nổ,v.v. dành cho doanh nghiệp nhưng có thể tạo ra lợi nhuận theo quy mô bằng cách bán trên phạm vi rộng.
Chúng tôi đang chú ý đến việc bán bảo hiểm kỹ thuật số ví dụ như ứng dụng và tôi cảm thấy rằng tốc độ phổ biến nhanh hơn ở Nhật Bản. Khi nhận thức và cách nghĩ của người Việt Nam về bảo hiểm dần thay đổi, việc bắt kịp DX (chuyển đổi số) là điều không thể thiếu.
―― Hãy cho chúng tôi biết về ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Kondo: Việt Nam có 32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, nhiều hơn các nước khác. Tuy nhiên, tỷ trọng của các công ty Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước ở mức cao, theo số liệu năm 2021 thì 6 công ty hàng đầu chiếm khoảng 60% thị phần. Thị phần của chúng tôi thuộc hàng top trên trong số các công ty liên kết với nước ngoài, đang ở mức 1,8%.
Mặt khác, tôi cảm thấy rằng có rất nhiều dư địa để phát triển. Ví dụ, phí bảo hiểm trực tiếp (phí bảo hiểm nhận trực tiếp từ chủ hợp đồng) vào năm 2021 là khoảng 318 tỷ yên cho toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Mặc dù ít hơn 1/20 so với Nhật Bản, nhưng con số này đã tăng 3,7% so với năm trước.
Bối cảnh hiện tại là nhận thức về bảo hiểm còn thấp. Do đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thấp, tôi nghĩ rằng cũng có nhiều công ty Việt Nam không tham gia bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện nay, số lượng người đăng ký đang gia tăng do lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập cá nhân tăng, và đây là một thị trường rất hấp dẫn, nơi bảo hiểm sẽ lan rộng trong tương lai.
Trong tình huống như vậy, cần thiết để quảng bá rộng rãi các sản phẩm của công ty. Đó là một trong những lý do chúng tôi bắt đầu kinh doanh hợp tác.
Rủi ro tai nạn và thiên tai chỉ có ở Việt Nam
―― Có những loại sản phẩm nào cho khách hàng công ty?
Kondo: Sản phẩm chính của chúng tôi là bảo hiểm cháy nổ. Tại Việt Nam, các chủ doanh nghiệp trong các ngành cụ thể bắt buộc phải đăng ký bảo hiểm cháy nổ và nhu cầu này rất cao. Bảo hiểm bắt buộc tương tự bao gồm bảo hiểm xây dựng áp dụng cho công việc xây dựng. Ngoài ra, còn có bảo hiểm hàng hóa, bồi thường thiệt hại cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển và bảo hiểm ô tô chủ yếu được sử dụng cho các tai nạn tự gây ra.
Là một phần trong dịch vụ của chúng tôi, bảo hiểm cháy nổ tập trung vào chẩn đoán phòng ngừa thiên tai trước khi tai nạn xảy ra. Các nhà điều tra chuyên môn sẽ đến các địa điểm như nhà máy, nhà kho để kiểm tra và chỉ ra các mối nguy hiểm liên quan đến cháy nổ, tai nạn lao động, các tuyến đường vận chuyển, hàng hóa,v.v. Công ty chúng tôi cũng tiến hành những việc đó, nhưng trong trường hợp các cơ sở quy mô lớn, chúng tôi sẽ cử một điều tra viên từ công ty thuộc tập đoàn ở Thái Lan sang.
Rủi ro chỉ có ở Việt Nam bao gồm cháy nổ do hệ thống điện bị sét đánh, rò rỉ điện, v.v. hay thiên tai do bão lụt chủ yếu ở miền Trung. Các điều tra viên sẽ xem xét máy móc, thiết bị, địa hình, v.v. và đưa ra lời khuyên, cũng có trường hợp, họ bắt đầu điều tra trước khi xây dựng nhà máy.
Các rủi ro đặc thù khác bao gồm tai nạn ô tô, tai nạn hàng hóa trong quá trình vận chuyển hay tai nạn lao động,v.v. Phần lớn các trường hợp bảo hiểm bồi thường cho người lao động là tai nạn xe máy khi đi và về giữa nơi làm việc và nhà ở, có báo cáo hàng ngày. Công ty chúng tôi tiến hành đào tạo an toàn giao thông để giảm thiểu những vụ tai nạn như vậy.
―― Công ty có gặp khó khăn gì ở Việt Nam không?
Kondo: Số tiền chi trả bảo hiểm đang tăng lên qua từng năm, điều này không chỉ giới hạn ở một mình công ty chúng tôi. Nguyên nhân là do chi phí y tế và chi phí sửa chữa ô tô tăng lên hơn là sự gia tăng số lượng người yêu cầu bồi thường. Tôi cảm thấy chi phí y tế đã tăng gần 10% trong một năm.
Giá tăng là do giá nhân công, tôi cho rằng các công ty khác cũng gặp khó khăn vì không thể tăng phí bảo hiểm lên bằng mức đó.
Ngoài ra, không giống như ở Nhật Bản và các nước phát triển khác, thông tin khách hàng không được chia sẻ giữa các công ty bảo hiểm ở Việt Nam. Do đó, nếu phí bảo hiểm tăng, sẽ có trường hợp khách hàng đăng ký vào một công ty khác rẻ hơn. Ngoài ra, một số công ty giảm giá cho khách hàng mới nên nhiều khách hàng thay đổi công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong số những khách hàng đã chuyển từ các công ty Nhật Bản như chúng tôi sang các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài khác, đã có một số lượng đáng kể khách hàng công ty quay trở lại. Các công ty Nhật Bản thường tìm kiếm các mối quan hệ lâu dài liên tục, vì vậy tôi nghĩ rằng dịch vụ và sự chăm sóc khách hàng của chúng tôi đã được đánh giá cao.
―― Kế hoạch sắp tới của ông là gì?
Kondo: Ngoài lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ dành cho các doanh nghiệp, tôi muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh đối tác. Các khoản phí phải trả sẽ tăng lên, và các chi phí như đào tạo, chiến dịch quảng bá sẽ phát sinh, nhưng việc mở rộng kênh bán hàng vẫn là một vấn đề quan trọng.
Ngoài ra, chúng tôi đang củng cố lĩnh vực kỹ thuật số, chẳng hạn như bán hàng trực tuyến. Ngoài Hà Nội và Hồ Chí Minh, công ty chúng tôi có văn phòng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc nhưng chưa thể phủ sóng toàn quốc.
Đây là một phương pháp hiệu quả đối với các kênh bán hàng trên khắp Việt Nam và trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch thúc đẩy hoạt động kinh doanh với tốc độ nhanh chóng, chẳng hạn như tăng số lượng nhân viên CNTT trong công ty.