All Nippon Airways (ANA) khai thác các chuyến bay thẳng kết nối Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, hành khách trên các chuyến bay đi Mỹ quá cảnh Nhật Bản chiếm khoảng 70%, và cách tạo lợi nhuận cũng mang đặc trưng riêng của hãng hàng không. Ông Uesaka Katsuyuki, Giám đốc chi nhánh tại Hồ Chí Minh sẽ chia sẻ về những khía cạnh chưa được biết đến trong kinh doanh tại Việt Nam.
Đối thủ mạnh là các hãng hàng không Đài Loan
―― Trong mảng kinh doanh hành khách hàng không của công ty, chuyến bay nào có nhiều hành khách nhất?
Uesaka:Hiện có hai chuyến bay mỗi ngày từ TP. Hồ Chí Minh đến Haneda và Narita, và một chuyến mỗi ngày từ Hà Nội đến Narita. Đối với đường bay từ TP. Hồ Chí Minh, phần lớn hành khách, khoảng 70% là những người nối chuyến đi Mỹ từ Nhật Bản. Các điểm trung chuyển là Haneda và Narita, sau đó sẽ bay đến nhiều thành phố khác của Mỹ.
Hầu hết hành khách là người Việt Nam hoặc người Mỹ gốc Việt. Do có nhiều người từ miền Nam Việt Nam di cư sang Mỹ nên họ thường bay về thăm quê, hoặc từ Việt Nam sang thăm người thân, bạn bè, ngoài ra, nhu cầu của du học sinh cũng khá cao. Vì lý do visa, số lượng khách du lịch đến Mỹ vẫn còn ít.
Khoảng 30% còn lại trong cơ cấu hành khách là những người đi đến Nhật Bản, trong đó khoảng 60% là người Nhật và 40% là người Việt. Người Việt chủ yếu sử dụng dịch vụ cho mục đích kinh doanh và du lịch.
Vận tải hành khách chiếm khoảng 80% tổng doanh thu, phần còn lại là vận tải hàng hóa. Đối với đường bay từ TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa được chở trong khoang hàng của các chuyến bay chở khách, nhưng từ tháng 9 năm nay, chúng tôi đã bắt đầu khai thác máy bay chở hàng chuyên dụng từ Hà Nội đến Narita, với tần suất hai chuyến mỗi tuần.
Khu vực phía Bắc có nhiều cơ sở sản xuất linh kiện điện tử, nên chúng tôi bắt đầu đáp ứng nhu cầu vận tải này. Hiện chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng chúng tôi cũng mong muốn triển khai việc này từ TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.
―― Lý do gì khiến hành khách chọn chuyến bay đi Mỹ quá cảnh Nhật Bản?
Uesaka:Đầu tiên là lịch bay và lịch trình vận hành. Chúng tôi cố gắng sắp xếp để hành khách có thể nối chuyến trong khoảng 2 đến 4 giờ, và cũng có nhiều đường bay đến các thành phố khác nhau ở Mỹ. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng dịch vụ khoang hành khách chất lượng tốt và trang thiết bị mới cũng được đánh giá cao.
Do đó, chúng tôi có thể nói rằng trong số các chuyến bay nối chuyến đi Mỹ bay từ Việt Nam, chúng tôi đứng trong top đầu, nhưng vẫn có đối thủ cạnh tranh mạnh. Đó là các hãng hàng không Đài Loan có các chuyến bay đi Mỹ quá cảnh Đài Bắc.
Chủ yếu có hai hãng hàng không lớn đang cạnh tranh sít sao với chúng tôi. Các hãng hàng không Đài Loan bố trí nhân viên phục vụ trên chuyến bay và nhân viên mặt đất khi quá cảnh tại sân bay Đài Bắc có khả năng nói tiếng Việt như nhân viên người Việt Nam,v.v. Nhờ vậy, hành khách Việt Nam có thể yên tâm sử dụng dịch vụ dù không giỏi tiếng Anh.
Tại Việt Nam có nhiều công ty Đài Loan và người Đài Loan, có lẽ vì vậy các hãng hàng không nhận thấy Việt Nam là một thị trường quan trọng. Rất tiếc, công ty chúng tôi vẫn chưa thể phục vụ tốt đến mức đó, do đó chúng tôi ý thức được rằng cần phải có những giải pháp để cải thiện.
Mặt khác, chúng tôi muốn tăng số lượng hành khách đến Nhật Bản. Chúng tôi mong muốn kéo tỷ lệ trong các chuyến bay đi Mỹ và Nhật Bản từ 7:3 thành 5:5, trong đó đặc biệt là tăng tỷ lệ hành khách người Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xin visa du lịch cá nhân rất khó khăn, và chúng tôi không có ý định cạnh tranh giá với các hãng hàng không giá rẻ (LCC). Hơn nữa, nhờ vào hệ số tải (Load Factor) (tỷ lệ hành khách thanh toán so với tổng số ghế của máy bay) của chúng tôi khá cao, trung bình đạt khoảng 80%. Việc tăng thêm hành khách không phải là điều dễ dàng.
―― Có giải pháp nào để tăng số chuyến bay không?
Uesaka:Không, có những hạn chế về số lượng chuyến bay đi và đến Haneda, và việc tăng chuyến bay trong kế hoạch ngắn hạn từ 1 đến 2 năm là rất khó. Để tăng số lượng hành khách trong sức chứa tổng số ghế hiện tại, chúng tôi cần quản lý chỗ ngồi cho từng đường bay từ một góc độ tổng thể.
Ngành hàng không là một lĩnh vực không có hàng tồn kho. Khi máy bay cất cánh thì mọi chuyện sẽ kết thúc, không thể tiếp tục xử lý hàng tồn kho. Với một chuyến bay có 200 ghế, điều quan trọng là làm thế nào để lấp đầy tất cả và tối đa hóa doanh thu. Điều này khác với cấu trúc lợi nhuận của các nhà sản xuất có thể điều chỉnh tăng hay giảm sản xuất, nói một cách đơn giản, doanh thu của chúng tôi được tính bằng số hành khách × đơn giá ghế ngồi, vì vậy cần tối ưu hóa sự cân bằng tổng thể để tạo ra lợi nhuận.
Đồng thời, tôi nghĩ rằng vai trò của mình là nâng cao độ nhận diện của ANA tại Việt Nam. Số người biết đến ANA trong xã hội Việt Nam còn rất ít. Tôi muốn tăng cường độ nhận diện và sự hiện diện của thương hiệu, để khi hành khách đi Mỹ hoặc Nhật Bản, họ có thể xem ANA là một lựa chọn và kết nối đến việc mua vé.
Để làm điều đó, chúng tôi đang thực hiện các chiến dịch hợp tác với những công ty có uy tín. Năm ngoái, chúng tôi đã hợp tác với các công ty Nhật Bản và tổ chức một chương trình bốc thăm để tặng vé máy bay và các sản phẩm cho những người đăng ký hội viên của ANA. Trong tương lai, chúng tôi muốn tiếp tục các dự án hợp tác và sử dụng phương pháp Thử và sai (Trial and error ), không giới hạn ở các công ty Nhật Bản hay Việt Nam.
Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, với chương trình giảm giá trên web mang tên “HELLO BLUE SALE”, diễn ra hàng tháng, áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định trong tương lai.
Cảm giác tin cậy mà một đội ngũ tạo ra
―― Thời gian gần đây, thành tích hoạt động của công ty như thế nào?
Uesaka:Như đã đề cập trước đó, có giới hạn về sức chứa, vì vậy không thể mong đợi sự tăng trưởng đột ngột. Tuy nhiên, thành tích năm 2019 khá tốt, nhưng trong giai đoạn đại dịch Covid-19, doanh thu đã giảm mạnh, và hiện tại đã phục hồi và vượt qua con số năm 2019.
Nguyên nhân là do sự gia tăng số lượng hành khách, nhưng may mắn là giá vé cũng cao hơn so với trước đại dịch. Nhu cầu tổng thể đang mở rộng, bao gồm cả cái gọi là nhu cầu phục hồi.
Đối với nhu cầu kinh doanh, số lượng khách từ Nhật Bản đã trở lại hơn so với trước đại dịch, trong khi khách từ Việt Nam đang gia tăng cả về nhu cầu kinh doanh lẫn du lịch. Nhu cầu chưa phục hồi nhiều nhất là từ khách du lịch Nhật Bản, không phải do số lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm, mà là do đồng yên giảm giá khiến ít người Nhật đi du lịch nước ngoài.
―― Có điều gì ông đang cố gắng thực hiện trong vai trò Giám đốc chi nhánh không?
Uesaka:Tôi là người đứng đầu chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nhưng người số hai là Giám đốc sân bay, người chịu trách nhiệm quản lý các bộ phận tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hãng hàng không có nhiều nhân viên khác nhau, bao gồm nhân viên kinh doanh tại chi nhánh, đặt vé, tổng vụ, bán hàng và vận hành dịch vụ hàng hóa, dịch vụ khách hàng tại sân bay, quản lý chuyến bay làm việc với phi công, v.v. tất cả cùng tạo thành một đội ngũ để điều hành các chuyến bay giữa TP. Hồ Chí Minh và Tokyo.
Các chuyến bay cất cánh vào ban đêm và ban ngày, vì vậy tại sân bay có ca làm việc từ 6 giờ chiều đến 2-3 giờ sáng cho ca đêm, và từ khoảng 3 giờ sáng đến trưa cho ca ngày. Có lẽ, khi nói về công việc của chúng tôi mà tự nói ra điều này có vẻ hơi kỳ hoặc, nhưng mọi người thật sự rất vất vả. Hơn nữa, có nhiều đồng nghiệp mà tôi khó có thể gặp mặt.
Vì vậy, mỗi năm chúng tôi tổ chức một vài buổi team building trong khoảng thời gian trước và sau bữa trưa. Chúng tôi cùng tham gia các hoạt động thú vị, cùng ăn chung với nhau để tăng cường tinh thần đồng đội. Nhân viên ca ngày tại sân bay tham gia sau ca làm việc, trong khi nhân viên ca đêm tham gia trước giờ vào ca, và chúng tôi thường tổ chức vào thứ Bảy để nhân viên tại chi nhánh trong thành phố có thể tham gia vào ngày nghỉ. Lần gần đây nhất, hầu như toàn bộ nhân viên, khoảng 30 người đã tập trung tham gia.
Tôi rất xem trọng team work. ANA đã nhận được 5 sao từ tổ chức đánh giá của Anh Quốc là SKYTRAX trong 11 năm liên tiếp, và tôi nghĩ rằng sự tin tưởng từ khách hàng cũng là kết quả của tinh thần làm việc nhóm.