Có một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh được giới trẻ thế hệ gen Z ưa chuộng. Quán được điều hành bởi một người Nhật khởi nghiệp tại đây, có rất nhiều không gian cá nhân riêng tư chính là điểm khác biệt lớn của quán. Giám đốc So Saito cho biết cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn và trung tâm mua sắm.
Những người trẻ tìm kiếm nơi thư giãn yêu thích cho riêng mình
―― Nghe nói Chidori rất được giới trẻ Việt Nam yêu thích.
Saito: Quán có đặc trưng là không chỉ sử dụng quán cà phê mà mọi người còn có thể sử dụng nửa phòng riêng hay một phòng riêng. Nửa phòng riêng có giường tầng xếp ngay bên trong phòng, phòng riêng là phòng đơn một người, giúp tận hưởng thời gian mà vẫn đảm bảo không gian riêng tư.
Lựa chọn phổ biến nhất là nửa phòng riêng, bao gồm set 2 đồ uống 160.000 đồng trong 2 giờ. Chia ra mỗi người là 80.000 đồng, giá được tính như một ly cà phê ở Starbucks tặng kèm một không gian. Lựa chọn phổ biến tiếp theo là phòng riêng có giá 350.000 đồng cho 4 giờ với 2 đồ uống.
Tôi nghĩ mọi người đều biết Starbucks cung cấp “nơi thứ ba” trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Chidori đã chứng minh là có một phân khúc “nơi thứ ba” mới trong giới trẻ ở các thành phố đang phát triển mà ngay cả Starbucks cũng chưa làm thỏa mãn. Như đã đề cập ở trên, hầu hết mọi người sử dụng Chidori trong 2 giờ mỗi lần và giá mỗi người cũng ngang bằng với Starbucks.
Khi được hỏi họ sử dụng thời gian như thế nào, câu trả lời phổ biến nhất là “điện thoại thông minh”, không có mục đích rõ ràng như công việc hay học tập. Ngay cả khi hai người đến quán, họ vẫn làm những việc khác nhau. Có phải khá giống với hình ảnh đang thư giãn trong phòng khách ở nhà một người bạn?
Chidori mở quán số 1 vào tháng 12/2018 và hiện có 7 quán tại TP.HCM.
―― Hãy kể về cơ duyên đưa đến việc bắt đầu công việc kinh doanh này.
Saito: Khi làm việc tại TP.Hồ Chí Minh và tiếp xúc với nhiều người Việt, tôi rất ngạc nhiên trước không gian sống riêng tư thiếu thốn của giới trẻ. Việc hai người chia chung một chiếc giường không phải là chuyện hiếm, sinh hoạt cộng đồng là chuyện đương nhiên.
Tình hình là giá bất động sản đang tăng vọt với tốc độ vượt xa mức tăng lương ở TP.Hồ Chí Minh. Giá thuê căn hộ studio ở TP.HCM vượt GDP bình quân đầu người. Vì những vấn đề xã hội như vậy, tôi cảm thấy giới trẻ TP.HCM rất cần một “nơi thứ 3”.
Tại sao chúng tôi chọn làm quán cà phê là có lý do. Ở Việt Nam, ngành nhà hàng chiếm tỷ lệ cao trong GDP, các quán cà phê mới mọc lên hàng tuần và trong số đó có những quán làm ăn rất phát đạt.
Tôi đoán họ đến quán cà phê bao gồm cả lý do “không muốn về nhà”. Vì ở nhà không có không gian riêng tư. Nếu thậm chí chỉ có 10% người dùng quán cà phê đang tìm kiếm một nơi thư giản yêu thích cho riêng mình, tôi cũng muốn cung cấp cho họ một giải pháp.
―― Dường như đa số khách hàng là người trẻ.
Saito: Hầu hết mọi người đều từ học sinh cấp 3 đến người đi làm khoảng năm thứ 5 và họ là những người chưa thể sống một mình, hay nói cách khác là những người đang chuẩn bị sống một mình.
Số lượng khách mỗi năm là khoảng 400.000 người và có khoảng 60.000 thành viên nhận được lợi ích tăng lên khi họ ghé thăm quán nhiều hơn. Tôi xem họ là những khách hàng thường xuyên, nhiều người đến hàng tuần và một số gần như hàng ngày. Tuy nhiên, vì đối tượng mục tiêu của chúng tôi là những người trẻ tuổi đang tiết kiệm tiền thuê nhà nên giá cả hợp lý là điều cần thiết.
Tại Chidori, chúng tôi đầu tư vào công nghệ tự động hóa thuộc cấp quốc gia phát triển để cung cấp các dịch vụ với giá cả hợp lý. Ví dụ, hệ thống phân bổ phòng, một số khách hàng đặt phòng trước, một số khách đến quán và muốn đặt phòng, một số chọn kéo dài thời gian, việc vận hành phòng khá linh hoạt. Cũng cần thời gian để dọn dẹp.
Vì vậy, chúng tôi đã phát triển một hệ thống tối ưu hóa thời gian trống, cập nhật việc phân bổ phòng mới theo thời gian thực khi hoàn cảnh thay đổi. Những việc mà các quản lý quán nghĩ ra lúc đầu đã được thay thế bằng các thuật toán.
―― Có bao nhiêu người làm việc tại công ty của ông?
Saito: Có khoảng 15 người trong văn phòng, phần lớn là phụ trách về marketing. Đang thực hiện các công việc như: Cập nhật bài đăng mới trên SNS theo từng kênh, tổ chức sự kiện, lên ý tưởng trang trí quán,v.v. để thu hút khách hàng mới cũng như không để khách hàng thấy nhàm chán.
Mỗi quán có đến 10 nhân viên. Để vận hành một quán mở cửa 15 giờ một ngày, phải làm theo ca nên số lượng người làm việc thực tế trở nên đông. Tại Chidori, chúng tôi có chế độ đa nhiệm, mức lương sẽ tăng theo năng suất làm việc, và chúng tôi vận hành kinh doanh theo tiêu chí này.
Tiếp theo là khách sạn và trung tâm mua sắm.
―― Hãy cho chúng tôi biết về kế hoạch tương lai của ông.
Saito: Chúng tôi đang suy nghĩ đến ý tưởng “Hook” và “Retrieval engine” do công ty DI (Dream Incubator) đưa ra. Nói cách khác, đó là một phương pháp tập trung cung cấp giá trị và tập trung lợi nhuận từ việc tạo ra các hoạt động kinh doanh riêng biệt.
Điểm mạnh vượt trội của Chidori là khả năng tiếp cận tối đa với những người Việt trẻ đầy năng lượng và sẽ trở nên giàu có trong tương lai. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một mô hình kinh doanh sẽ đưa cơ sở khách hàng này đến hoạt động kinh doanh tiếp theo của chúng tôi và tạo ra lợi thế trong việc thu hút khách hàng.
Như đã đề cập trước đó, Chidori là thương hiệu cung cấp “nơi thứ 3”và chúng tôi muốn tăng thêm các lựa chọn khác cho khách hàng của mình. Một là kinh doanh khách sạn. Trong khi “người đến trọ” là đối tượng của các khách sạn thông thường, còn chúng tôi sẽ tạo ra một khách sạn theo phong cách của Chidori để “các khách hàng đang hiện có” sử dụng vào những dịp đặc biệt.
Hai là kinh doanh các trung tâm mua sắm. Khi đang tìm chủ khách sạn, tôi có duyên gặp chủ một trung tâm mua sắm. Có lẽ vì tôi được giới thiệu là “người có thể tạo ra khái niệm Nhật Bản hiện đại” chứ không phải là quản lý của Chidori nên cuộc trò chuyện tiến triển tốt và tôi được yêu cầu lên kế hoạch cho một trung tâm mua sắm từ đầu.
Điều này là không thể có ở Nhật Bản (cười). Ở Việt Nam còn rất nhiều thị trường có những khoảng trống như vậy và việc có thể lấp đầy chúng mang đến cảm giác hồi hộp khó tả.
―― Trung tâm mua sắm cũng là “nơi thứ ba” phải không?
Saito: Việt Nam có rất ít địa điểm công cộng như công viên và ô nhiễm không khí là một vấn đề nghiêm trọng nên các trung tâm mua sắm là “nơi thứ ba” không thể thiếu đối với người Việt muốn có môi trường trong nhà.
Trong bối cảnh này, Chidori đang bắt đầu được coi là người sáng tạo ý tưởng chuyên nghiệp, người mang lại giá trị đổi mới và chúng tôi bắt đầu nhìn thấy con đường dẫn đến những cơ hội phát triển độc đáo.
Mặc dù chúng tôi là một công ty Nhật Bản, nhưng chúng tôi có cái nhìn sâu sắc về giới trẻ tại đây và chúng tôi tạo ra những khái niệm địa phương hóa từ những trải nghiệm thực tế ở các nước phát triển.
Dù cảm thấy áp lực vì trách nhiệm ngày càng nặng đối với xã hội nhưng tôi không khỏi cảm thấy phấn khích. Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu được mọi người tiếp tục dõi theo sự trưởng thành của Chidori.