Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam là nơi liên kết các doanh nghiệp và chính phủ của cả 2 nước, là đồng minh đáng tin cậy của công dân Nhật Bản sinh sống tại Việt Nam. Năm nay là một năm mang tính lịch sử, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Hãy cùng nghe chia sẻ của Ngài Takio Yamada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam về dấu mốc này.
Thấu hiểu và đồng cảm là động lực phát triển
―― Xin Ngài cho biết công việc chính của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Yamada: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đặt tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, ngoài việc đại diện cho Nhật Bản đàm phán và liên lạc với chính phủ Việt Nam, mỗi ngày chúng tôi cũng thu thập, phân tích thông tin về chính trị, kinh tế, v.v. của Việt Nam và báo cáo về Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Trên cơ sở những thông tin này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ hoạch định các chính sách đối ngoại, bao gồm chính sách ngoại giao với Việt Nam.
Các hoạt động quảng bá văn hóa nhằm giúp người dân Việt Nam hiểu đúng về Nhật Bản cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Đại sứ quán. Ngoài việc phổ biến chính sách đối ngoại và tình hình chung của Nhật Bản ra thế giới, chúng tôi cũng nỗ lực trong việc giới thiệu những nét hấp dẫn của Nhật Bản, chẳng hạn như văn hóa truyền thống và văn hóa đại chúng của Nhật Bản, và trong việc phổ cập tiếng Nhật.
Và trên hết, công việc bảo vệ công dân Nhật bản tại Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc tai nạn nghiêm trọng, tất nhiên chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để xác nhận sự an toàn của mọi người và giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng, và để ứng phó với những tình huống đó, chúng tôi cũng thường xuyên xác nhận thông tin liên lạc và thông báo cho họ về những việc cần làm trong trường hợp khẩn cấp.
Trong những năm gần đây, cả Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao khi đang chống dịch Covid-19. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao như chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm 2021, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio vào tháng 5 năm ngoái, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 9 đã không ngừng tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản – Việt Nam.
Kết quả, hợp tác thực tế đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ODA, DX, GX (chuyển đổi xanh), đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế thông qua phát triển nguồn nhân lực, hợp tác an ninh như tăng cường năng lực an ninh mạng, an ninh hàng hải, v.v…
Năm 2023 sẽ là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tại Hà Nội, cùng với việc theo dõi sát sao các dự án hợp tác cụ thể và duy trì trao đổi thông tin mật thiết giữa chính phủ hai nước, chúng tôi đang tiến hành các công tác chuẩn bị để các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước có thể thành công tốt đẹp.
―― Ngài cảm nhận thế nào về mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam?
Yamada: Do ảnh hưởng của Covid-19, việc di chuyển của mọi người trên khắp thế giới gặp khó khăn trong một thời gian dài, và Nhật Bản -Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống khó khăn như vậy, các chuyến thăm cấp cao vẫn diễn ra liên tục không bị gián đoạn. Vào tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Suga Yoshihide (đương thời khi đó) đã đến thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản với tư cách là vị khách nước ngoài đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Kishida ra mắt. Hơn nữa, vào tháng 5 năm 2022, Thủ tướng Kishida đã thăm Việt Nam và hội đàm với cả bốn vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Điều này đã chứng tỏ với không chỉ người dân hai nước mà cả bạn bè quốc tế rằng mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đang ở mức tốt đẹp nhất trong lịch sử, và hai nước có giá trị chiến lược to lớn đối với nhau.
Với tư cách là Đại sứ tại Việt Nam, tôi làm hết sức mình để những cơ hội giao lưu trực tiếp như thế này giữa lãnh đạo hai nước trở nên thật ý nghĩa, và tôi hết sức xúc động khi được chứng kiến điều đó xảy ra.
―― Ấn tượng của Ngài về Việt Nam và con người Việt Nam như thế nào?
Yamada: Trong 2 năm 9 tháng kể từ khi nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam, tôi đã gặp gỡ nhiều người Việt Nam và đã đi thăm nhiều nơi từ Bắc vào Nam cho cả mục đích công việc lẫn cá nhân. Việt Nam là một đất nước có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các món ăn như phở và nem, hay nét văn hóa truyền thống và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở khắp nơi. Ngoài ra, con người Việt Nam luôn vui tươi, hào phóng, đem đến cho tôi nhiều năng lượng.
Việt Nam là đối tác quan trọng cùng chia sẻ văn hóa và giá trị quan với Nhật Bản. Tôi cho rằng yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản – Việt Nam chính là sự “thấu hiểu” và “đồng cảm” được bồi đắp giữa nhân dân hai nước, từ cấp lãnh đạo đến cấp cơ sở. Cho đến nay, tôi đã từng làm việc tại Anh, Ấn Độ, Indonesia và Pháp, nhưng đây là những cảm xúc đặc biệt mà tôi chưa từng cảm nhận khi ở những nơi đó.
Và tôi tin chắc rằng sự thấu hiểu và đồng cảm này chính là động lực thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam vốn được cho là có “tiềm năng vô hạn”.
Nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm
―― Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản -Việt Nam.
Yamada: Chính phủ Nhật Bản mong muốn hỗ trợ vững chắc để hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng sôi động hơn. Ngoài ra, để phát triển kinh tế Việt Nam hơn nữa, chúng tôi mong muốn khôi phục vốn ODA về mức trước năm 2017, đặc biệt là hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nhằm góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng dự định thảo luận sâu hơn để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như GX và DX, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam – quốc gia đã đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhiều chương trình kỷ niệm 50 năm sẽ được tổ chức trong suốt cả năm 2023. Chẳng hạn, vào ngày 25-26 tháng 2, lễ hội có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam Japan – Vietnam Festival sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, các chương trình giao lưu văn hóa như trình diễn thời trang Kimono và Áo dài, sự kiện trà đạo được lên kế hoạch vào tháng 3.
Vào tháng 9, vở opera “Công nữ Anio” dựa trên câu chuyện tình yêu 400 năm trước giữa thương gia Sotaro Araki từ Nagasaki, Nhật Bản và Công nữ Ngọc Hoa của chúa Nguyễn sẽ được công diễn.
Ngoài ra, cũng có nhiều chương trình giao lưu văn hóa khác dự kiến sẽ được tổ chức ở các tỉnh thành trên khắp Việt Nam.
―― Giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam hứa hẹn trở nên sôi động.
Yamada: Các biện pháp kiểm soát nhập cảnh giữa Nhật Bản và Việt Nam đã được nới lỏng, vì vậy tôi hy vọng rằng giao lưu du lịch giữa hai nước sẽ được mở rộng nhân dịp kỷ niệm 50 năm, không chỉ phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 mà còn mở rộng hơn nữa.
Để khiến kỷ niệm 50 năm thêm sôi động trong toàn thể cộng đồng người Nhật tại đây, Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm của phía Nhật Bản đã được thành lập với sự hợp tác của hiệp hội doanh nghiệp tại các khu vực, và sẽ lên kế hoạch cho nhiều chương trình kỷ niệm 50 năm. Trang web kỷ niệm đặc biệt (https://japanvietnam50.org/) cũng đã được tạo ra để cung cấp các thông tin phong phú tới quý vị.
Ngoài ra, logo kỷ niệm 50 năm có thể được sử dụng trên sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân nếu cách thức sử dụng được đánh giá là phù hợp với tiêu chuẩn. Rất mong quý vị sẽ cân nhắc việc sử dụng logo kỷ niệm.
“Việt – Nhật đồng hành, hướng tới tương lai – Vươn tầm thế giới.” Với chủ đề này, chúng ta hãy cùng chung tay tạo nên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.
―― Thông điệp mà Ngài muốn nhắn gửi đến các doanh nhân Nhật Bản ở Việt Nam.
Yamada: Mối quan hệ giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam vô cùng tốt đẹp. Tôi cảm thấy Chính phủ Việt Nam đặt kỳ vọng lớn vào Nhật Bản trên nhiều phương diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Với sự giúp đỡ của tất cả quý vị trong giới kinh doanh, tôi mong muốn năm 2023 sẽ là một năm mà Nhật Bản thể hiện được sự hiện diện của mình.
Tôi mong rằng các hoạt động của quý vị sẽ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, và hy vọng rằng bên cạnh các lĩnh vực quan trọng truyền thống như sản xuất, cơ sở hạ tầng và năng lượng, thì các nhiệm vụ mới như đáp ứng DX và GX cũng sẽ được triển khai một cách tích cực.