Sankyu thành lập văn phòng đại diện năm 1995 và thành lập công ty con tại Việt Nam vào năm 2004. Ngoài logistics, còn phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh như: plant engineering (kỹ thuật nhà máy), nghiệp vụ kho bãi,v.v., và đào tạo nguồn nhân lực phụ trách. Cùng nghe Giám đốc Kazutoshi Kosaka – người vừa được bổ nhiệm vào tháng 4 năm nay nói về những tham vọng sắp tới.
Thế mạnh của đại lý hải quan và sở hữu kho bãi
―― Nghe nói hoạt động kinh doanh của Sankyu đặc biệt ở chỗ là hỗ trợ tích hợp cả logistics và kỹ thuật nhà máy.
Kosaka:Sankyu có hai mảng kinh doanh chính, một là logistics, hai là kỹ thuật nhà máy- chúng tôi hay gọi là “Kikou”.
Logistics bao gồm vận chuyển, đóng gói, quản lý hàng tồn kho, v.v. “Kikou” bao gồm thiết kế, xây dựng, lắp đặt, bảo trì nhà máy,v.v., nếu đối tượng là các nhà máy có quy mô lớn, chúng tôi có thể cung cấp gói dịch vụ từ thiết kế, vận chuyển, xây dựng đến lắp đặt và bảo trì nhà máy. Khách hàng của những dịch vụ này chủ yếu là các công ty công nghiệp nặng lớn như công ty thép, nhà sản xuất hóa chất,v.v., tôi nghĩ rằng mô hình kinh doanh của chúng tôi cũng hiếm có trên thế giới.
Logistics từng chiếm tỷ trọng lớn trong kinh doanh trước đây nhưng những năm gần đây, mảng “Kikou” như bảo trì cơ khí,v.v., tăng lên nên hiện giờ tỷ trọng 2 mảng tương đương nhau. Chúng tôi cũng đang triển khai nghiệp vụ kinh doanh tương tự ra nước ngoài.
―― Đã mở rộng sang châu Á từ giai đoạn khá sớm.
Kosaka:Tại Đông Nam Á, chúng tôi vào Indonesia năm 1974, Malaysia năm 1979 và Thái Lan năm 1988. Chúng tôi mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 1995 và thành lập công ty vào năm 2004.
Chúng tôi đã có thể phát triển toàn diện kinh doanh tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, v.v., và tại Việt Nam có các khách hàng là công ty Nhật Bản bao gồm cả khách hàng tại Nhật ngày một tăng lên. Lúc đầu, chúng tôi bắt đầu với công việc logistics, sau đó do cần quản lý hàng hóa, thiết bị sản xuất lưu kho nên đã mở rộng cơ sở, “kikou” cũng bắt đầu từ đây.
Chúng tôi không giao hàng cho khách hàng cá nhân, tất cả khách hàng của chúng tôi là các công ty và hầu hết là các nhà sản xuất Nhật Bản thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như: linh kiện điện tử, dệt may, hóa chất,v.v, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác.
Đối với những khách hàng này, ngoài việc vận chuyển, lưu kho nguyên vật liệu và sản phẩm, chúng tôi còn cung cấp dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan do ở Việt Nam thủ tục hải quan và thuế khá rườm rà. Thế mạnh của công ty chúng tôi là sở hữu kho ngoại quan quy mô lớn khoảng 10.000 m2 tại tỉnh Hải Dương phía Bắc và khoảng 20.000 m2 tại tỉnh Đồng Nai phía Nam, kèm option là đại lý hải quan.
―― Logistics bao gồm vận tải quốc tế và nội địa phải không?
Kosaka:Đúng vậy. Vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không hoặc đường biển, vận chuyển nội địa bằng xe tải, vận chuyển biên giới bằng đường bộ sang Trung Quốc và Thái Lan, v.v. Điều quan trọng không phải là “vận chuyển một lần và kết thúc”, mà chúng tôi muốn từng bước mở rộng hơn nữa chuỗi cung ứng của khách hàng. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả logistics, việc thực hiện ghép hàng (joint delivery) và kết hợp logistics với khách hàng ở nước khác, công ty khác là điều cần thiết.
Trong các nghiệp vụ, cũng có dịch vụ gọi là giải pháp kinh doanh. Chủ yếu là công việc liên quan đến vận chuyển và các công việc trong kho, chẳng hạn như vô bao, dán nhãn, đóng gói sản phẩm,v.v. Sau đó sẽ chất lên xe tải và vận chuyển, được kết nối liền mạch với công việc trong nhà kho.
Khoảng 70% hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam là logistics, 20% là giải pháp kinh doanh và 10% là “kikou”.
Việt Nam là nơi dễ sống nhất
―― Tại sao tỷ trọng “kikou” lại thấp như vậy?
Kosaka:Do đối tượng là các nhà máy quy mô lớn như nhà máy sản xuất thép, nhà máy hóa chất,v.v., và ngành công nghiệp nặng như thế này vẫn đang trên đà phát triển tại Việt Nam. Mặc dù có các nhà máy xăng dầu và hóa chất do các công ty nhà nước và công ty liên kết với nước ngoài điều hành, nhưng rất khó nhận được đơn đặt hàng vì nhiều đơn đặt hàng được đặt cho các công ty địa phương và các công ty trong nước như một chính sách quốc gia. Ngược lại, điều đó có nghĩa là sẽ có cơ hội phát triển trong tương lai khi Việt Nam lớn mạnh.
Nghiệp vụ kinh doanh ở nước ngoài của chúng tôi khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia. Tại Indonesia và Malaysia, nơi chúng tôi đã hoạt động gần 50 năm, do công nghiệp nặng cũng phát triển nên chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng về “kikou” từ các công ty nhà nước và địa phương. Xét về doanh số “kikou” thì có thể nói là gấp mấy chục lần Việt Nam.
Ngoài Đông Nam Á, Sankyu còn có văn phòng chi nhánh tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu, Mỹ, Trung Đông, v.v., và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài nói chung đang phát triển. Kế hoạch quản lý trung và dài hạn của Sankyu cũng nhằm mục đích tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài từ 88,1 tỷ yên trong năm tài chính 2021 lên khoảng 145,4 tỷ yên trong năm tài chính 2030, tức tăng 65%.
Tại Nhật Bản, mảng “kikou” gần như độc quyền và Sankyu chiếm vị trí cao, tuy nhiên do nhu cầu và nguồn nhân lực phụ trách đang giảm dần nên chúng tôi đang tập trung hướng ra nước ngoài. Thực tế là tôi cũng tham gia xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn này nên sẽ không để kinh doanh ở Việt Nam gặp trở ngại gây ảnh hưởng chung đến nơi khác (cười).
―― Ông có đang suy nghĩ về việc mở rộng kinh doanh không?
Kosaka:Sankyu rất chú trọng đến nguồn nhân lực và có thế mạnh trong quản lý, huấn luyện- đào tạo nhân sự. Bởi vì hoạt động kinh doanh của chúng tôi dựa vào con người là chính. Điều này cũng tương tự đối với các kỹ sư và nhân viên vận hành tại Việt Nam, ổn định trong tuyển dụng và nâng cao kỹ năng là điều không thể thiếu, các khách hàng mong đợi dịch vụ chất lượng cao mà họ cung cấp.
Sankyu Việt Nam có khoảng 400 nhân viên trên toàn quốc, nhưng tỷ lệ nghỉ việc thấp, trung bình có 2-3 người nghỉ việc mỗi tháng. Các lý do nghỉ việc đều có thể chấp nhận được chứ không phải nghỉ vì lương bổng, có một số trường hợp nhân viên đã quay lại làm sau khi nghỉ việc.
Chúng tối muốn dốc lòng bồi dưỡng những nhân viên này và giúp họ nâng cao kỹ năng. Điều này cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng kinh doanh. Bởi vì nó giúp cải thiện dịch vụ và mở rộng kinh doanh. Sankyu tổ chức các cuộc thi tay nghề hàn, xe nâng,v.v., trên toàn thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào top đầu. Tôi hiểu rằng có rất ít cơ hội việc làm nhưng vẫn muốn nâng cao năng lực kỹ thuật, vì vậy tôi có kế hoạch gửi họ sang các nước khác và Nhật Bản để đào tạo.
Hiện tại, chúng tôi có 11 căn cứ tại các khu vực chính ở miền bắc và miền nam Việt Nam, và chúng tôi muốn có các căn cứ ở miền trung Việt Nam chẳng hạn như Đà Nẵng trong tương lai. Nếu chúng tôi có thể nhận được đơn đặt hàng cho một quy mô công việc nhất định, chúng tôi sẽ xây dựng nhà kho và mở rộng kinh doanh ở đó.
Về mảng “kikou”, Việt Nam là một thị trường nhỏ nhưng chính điều này lại là cơ hội. Tôi mới bắt đầu nhậm chức tại đây vào tháng 4 năm nay, từ giờ tôi dự định sẽ phân tích thị trường và suy nghĩ về các dịch vụ mà khách hàng cần.
―― Ông cảm thấy thế nào về Việt Nam?
Kosaka:Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 14 năm và ở lại đây tổng cộng 2 năm cho công việc. Lúc đầu, tôi không ngờ Việt Nam lại phát triển đến vậy, điển hình của các nước đang phát triển. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một đất nước tốt hơn nhiều, và khi đó chắc số lượng người đến Nhật Bản với mục đích tìm việc làm sẽ giảm đi. Cho đến nay có thể Nhật Bản đã đứng về phía hướng dẫn, chỉ đạo, nhưng từ bây giờ Việt Nam nên được coi là một đối tác bình đẳng.
Là một kỹ sư, tôi đã làm việc chủ yếu trong lĩnh vực “kikou” ở khoảng 20 quốc gia. Tôi thích cả Thái Lan và Malaysia, nhưng Việt Nam là nơi dễ sống nhất. Có lẽ tính cách, giá trị quan, thức ăn, v.v., phù hợp với tôi nên Việt Nam đối với tôi là nhất.
Mục đích của Sankyu là cùng với phương châm “Tất cả nhân viên Sankyu mang sự biết ơn từ tận trái tim để phục vụ tất cả các khách hàng trên thế giới” chúng tôi muốn nâng cao giá trị dịch vụ thông qua việc dốc lòng phát triển con người, đồng thời địa phương hóa bằng cách chuyển giao quyền hạn cho người Việt Nam.