TechBase Việt Nam được thành lập vào năm 2015 với tư cách là cứ điểm phát triển ở nước ngoài đầu tiên của Yahoo! JAPAN. Hiện đã vừa có thể phụ trách khoảng 20 dịch vụ, vừa tham gia vào các công đoạn đầu. Cùng trao đổi với Giám đốc đầu tiên Kenichi Shirakawa về công việc kinh doanh của công ty từ trước đến nay.
Tham gia vào các công đoạn đầu như lập kế hoạch
―― Có vẻ như đây là cứ điểm phát triển ở nước ngoài đầu tiên của Yahoo.
Shirakawa: Đúng vậy. Để giải thích ngắn gọn quá trình này, cơ duyên chính là sự khởi đầu của “cuộc cách mạng thương mại điện tử” tại Yahoo! JAPAN vào năm 2013. Các doanh nghiệp EC như Yahoo! Shopping phát triển mạnh, cần phải đảm bảo nhiều nguồn lực phát triển (kỹ sư, v.v.) ở Nhật Bản và nước ngoài.
Khi đang tìm kiếm nơi để ủy thác nghiệp vụ, cấp trên của tôi lúc bấy giờ đã giới thiệu Evolable Asia Việt Nam cho tôi. Một nhóm phát triển rất tài năng, trở thành đối tác của Yahoo, tôi đã đi công tác Việt Nam từ tháng 1 năm 2014. Khoảng nửa năm sau đó, tôi bắt đầu nghĩ về tầm nhìn dài hạn là thành lập công ty con ở Việt Nam.
Trình độ kỹ thuật của kỹ sư Việt Nam còn non trẻ, nhìn chung còn thấp hơn người Nhật, nhưng khả năng phát triển đã được cải thiện ngày càng rõ rệt. Chúng tôi có nguồn nhân lực ưu tú và khả năng làm việc nhóm tốt. Tôi cũng cảm thấy rằng mọi người hiểu được cách quản lý theo phong cách Nhật Bản.
Vì vậy, tôi đã đề xuất thành lập công ty con với công ty mẹ, và sau một thời gian chuẩn bị, Techbase Việt Nam đã được thành lập vào tháng 5 năm 2015. Mục đích của việc mở rộng ra nước ngoài là trong ngắn hạn có thể giảm chi phí, bao gồm cả chi phí nhân công. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi việc đảm bảo nguồn nhân lực IT tại Nhật trở nên khó khăn thì đây sẽ là kinh nghiệm quản lý ở nước ngoài và kinh nghiệm hợp tác với nguồn nhân lực địa phương..
―― Hãy cho chúng tôi biết về nội dung công việc của công ty ông.
Shirakawa: Phát triển các dịch vụ của Yahoo! JAPAN như Yahoo! Shopping, Yahoo! Auctions, Yahoo! Real Estate, và dịch vụ video GYAO !. Yahoo! JAPAN có tổng cộng khoảng 100 dịch vụ, chúng tôi phụ trách khoảng 20 dịch vụ trong số đó, bao gồm cả các công cụ nội bộ. Công ty của chúng tôi có khoảng 160 nhân viên, trong đó khoảng 140 nhân viên là kỹ sư IT, và mỗi dịch vụ được phát triển bởi một nhóm từ vài người đến 10 người.
Ban đầu, để nâng cao chất lượng, chúng tôi tập trung vào việc lập trình chính xác theo các thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, trong khoảng ba năm, sự phát triển và sức mạnh của đội ngũ đã được cải thiện, trong một năm rưỡi qua, số lượng kỹ sư tham gia vào các công đoạn đầu đã tăng lên. Đó là công việc như lắng nghe yêu cầu của các kỹ sư Nhật Bản và những người đề xuất dự án, thêm các chức năng của trang web và đề xuất thiết kế giao diện người dùng.
Trong những trường hợp như vậy, người Nhật thường dùng cảm tính cá nhân để thực hiện, nhưng tôi đang nghĩ liệu có thể sắp xếp thông tin, tạo ra một quy trình logic bằng cách đưa thêm ý kiến của người nước ngoài vào không. Vì khách hàng của chúng tôi hầu như là người Nhật nên rất khó, nhưng chúng tôi muốn đóng góp cho chính dịch vụ chứ không đơn thuần là triển khai.
―― Nguồn nhân lực IT cũng đang bị cạnh tranh ở Việt Nam.
Shirakawa: Việc tuyển dụng mất nhiều thời gian hơn do nhu cầu nhân lực tăng cao và sự gia tăng các công ty mới thành lập. Ngay cả khi có thể liên kết với các trường Đại học có chuyên ngành IT để tuyển dụng sinh viên mới ra trường, thì cũng gặp khó khăn trong việc tuyển những người có kinh nghiệm, đặc biệt là những người có thâm niên trên 5 năm kinh nghiệm. Tương tự với cấp quản lý có ít hơn 10 năm kinh nghiệm cũng vậy.
Nhảy việc trong ngành này khá phổ biến. Trong trường hợp của công ty chúng tôi, có những người nghỉ việc do việc triển khai ngôn ngữ lập trình thay đổi, cũng có những người ra nước ngoài như Nhật Bản, Singapore v.v, để làm việc và chúng tôi đã trải qua những tình huống nghiêm trọng là người trong nhóm hầu như rời đi.
Tuy nhiên, tôi cũng đã tích lũy được kinh nghiệm cho tương lai, chẳng hạn như bố trí lại nhân sự dư thừa, đảm bảo nguồn thực tập sinh mới tốt nghiệp, tăng cường giao tiếp với các trường Đại học. Tôi cảm thấy rằng khả năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp của tôi đã được cải thiện.
―― Ấn tượng của ông về kỹ sư Việt Nam như thế nào?
Shirakawa: Tôi luôn hỏi về con đường phát triển sự nghiệp khi phỏng vấn ứng viên. Câu trả lời phổ biến nhất là “Tôi muốn trở thành một nhquản lý về kỹ thuật” , vừa tự mình triển khai công việc, vừa quản lý đội nhóm. Câu trả lời khác là mục tiêu trở thành Giám đốc dự án, chuyên sâu về kỹ thuật, hoặc muốn khởi nghiệp.v.v. Tuy nhiên, đó có lẽ không phải là lỗi của họ do môi trường chung ở Việt Nam đều như vậy, nhưng tôi có ấn tượng rằng sự đa dạng về loại công việc ít hơn nếu so sánh với Nhật Bản.
Ngoài ra, tôi có nghe các kỹ sư ở công ty mẹ nói rằng kỹ năng lập trình của người Việt và người Nhật với khoảng 5 năm kinh nghiệm là như nhau, nhưng người Việt Nam chuyên sâu và giỏi một lĩnh vực, còn người Nhật thì có sự chuẩn bị về kiến thức để có thể làm đa dạng công việc trong công ty.
Có một sự khác biệt lớn về sức mạnh của đội nhóm. Bởi vì, nếu tuổi trung bình của người Nhật ở độ tuổi 40 thì người Việt Nam ở độ tuổi 20 (cười). Người Nhật có năng lực kỹ thuật tốt, cũng như kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm trong các dự án quy mô lớn, trong khi các bạn trẻ Việt Nam nhiệt tình học tập và có khát vọng phát triển mạnh mẽ.
Công ty chúng tôi có đào tạo tiếng Nhật, đào tạo kỹ thuật, tổ chức các cuộc họp chia sẻ, hỏi đáp bằng công cụ (tool) v.v., nhưng tôi cảm thấy rằng công tác đào tạo đáp lại sự nhiệt tình của họ vẫn chưa được hoàn thiện.
Năm tới, “tỷ lệ Marutto” sẽ là 100%!
―― Có bị ảnh hưởng của dịch Corona không?
Shirakawa: Hầu như không có. Doanh thu của Yahoo! JAPAN đang tăng lên, tổng cộng có khoảng 100 dịch vụ nên ngay cả khi có những dịch vụ tăng lên hay giảm sút do Corona thì dường như cũng được bù trừ qua lại.
Mặt khác cũng có những cái lợi. Thứ nhất là xu hướng tìm kiếm nơi làm việc ổn định tăng lên và tỷ lệ nghỉ việc giảm xuống. Thứ hai là làm việc từ xa. Từ tháng 10 năm ngoái, Yahoo bắt đầu “làm việc từ xa không giới hạn”, không ràng buộc nơi làm việc và thời gian làm việc.
Vì công ty chúng tôi đã làm việc từ xa với Nhật Bản từ trước rồi nên khi công ty mẹ áp dụng làm việc từ xa trên toàn bộ công ty thì chúng tôi đã tạo ra một môi trường dễ dàng thực hiện. Có cảm giác như những điểm bất tiện của các căn cứ ở nước ngoài không còn nữa.
―― Ông có kế hoạch gì sắp tới không?
Shirakawa: Bây giờ tôi đang cố gắng tăng “tỷ lệ Marutto”. Đây là tỷ lệ có thể giao phó toàn bộ nghiệp vụ, tính bằng phép nhân của phạm vi nghiệp vụ, mức độ khó dễ, tốc độ và chất lượng. 100% là mức ngang bằng với công ty mẹ, mục tiêu là đến tháng 3 năm sau, tất cả khoảng 20 dịch vụ sẽ đạt mức 100%.
Hiện tại, đội đầu bảng là khoảng 70%, và đội thấp nhất khoảng 25%. Điểm chất lượng gần như đạt 100% ở các dịch vụ, nhưng thách thức là tốc độ. Khoảng 60% công việc là ngang bằng nhau, hoặc có trường hợp Việt Nam nhanh hơn, nhưng phần việc còn lại là khó, nếu tốc độ của Nhật Bản là 2 tuần thì ở Việt Nam là 3 tuần.
Người Việt Nam có vẻ thích dùng những con số để hình dung và giám sát công việc, họ hào hứng tăng “Tỷ lệ Marutto ” như một trò chơi. Về điểm này rất đáng tin cậy.
Trong tương lai, thay vì mở rộng phạm vi dịch vụ mà chúng tôi phụ trách, chúng tôi muốn nâng cao khả năng làm việc và tăng số lượng công việc cấp kế hoạch (như thiết kế, lập kế hoạch,v.v. những công việc thuộc công đoạn đầu đòi hỏi năng lực cao). Tăng những việc nhóm có thể làm, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao khả năng phát triển dịch vụ. Tôi muốn có những thành tựu dạng như: “nhờ có Techbase Việt Nam nên đã có thể cải thiện được” hay “nhờ có Techbase Việt Nam nên kịp để giao hàng”, v.v.
Ngoài ra, tập đoàn Z Holdings là công ty mẹ của Yahoo sẽ mở rộng quy mô sang châu Á. Khi đó, công ty của chúng tôi, một cơ sở phát triển tại Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý, vì vậy tôi muốn tích cực ứng cử.