Ngân hàng Mizuho tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 1996 với tư cách là ngân hàng Nhật Bản đầu tiên. Vừa hỗ trợ các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, vừa tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh với sự hợp tác của Vietcombank và M-Service. Cùng trò chuyện với Giám đốc Chi nhánh Hồ Chí Minh – ông Masaaki Wada về quá trình đã trải qua và kế hoạch sắp tới của Ngân hàng.
Lý do hợp tác với công ty Việt Nam
―― Tham gia khá sớm vào thị trườngViệt Nam từ năm 1996.
Wada: Chúng tôi thành lập chi nhánh tại Hà Nội vào năm 1996 và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2006. Khi mở văn phòng chi nhánh ở nước ngoài, chúng tôi chọn quốc gia có nhiều công ty Nhật Bản có tiềm năng mở rộng, qua các cuộc trao đổi với khách hàng tại thời điểm đó, chúng tôi thấy được rằng có vẻ như xu hướng đầu tư vào Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Mizuho đã trở thành ngân hàng Nhật Bản đầu tiên vào Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng chúng tôi chủ yếu là hỗ trợ các công ty có giao dịch tại Nhật Bản thành lập công ty ở Việt Nam và các giao dịch thương mại tại đây. Chẳng hạn như thanh toán vốn đầu tư, cho vay để hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp và mở rộng kinh doanh, tiền gửi ký quỹ, chuyển tiền trong nước và quốc tế, các giao dịch ngoại hối,v.v. trên cơ sở tuân thủ các quy định, cơ chế của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Do đó, khoảng 90% khách hàng của chúng tôi là các công ty Nhật Bản, phần còn lại chủ yếu là các công ty đa quốc gia và các công ty trong nước, có hơn 2000 công ty tại Việt Nam. Vào thời điểm chúng tôi vào Việt Nam, khách hàng của chúng tôi phần nhiều thuộc ngành sản xuất, sau đó, số lượng các ngành dịch vụ có tăng lên, nhưng ngành sản xuất vẫn tiếp tục chiếm số đông.
Nội dung dịch vụ ngân hàng luôn thay đổi từng chút một theo từng năm để phù hợp với nhu cầu cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của công ty. Một công ty con tại Việt Nam được thành lập, sau đó số lượng đối tác kinh doanh tăng lên, doanh thu tăng lên nên số lượng nhân viên sẽ tăng, nhà máy sản xuất phải mở rộng,v.v. dẫn đến quy mô công ty sẽ lớn hơn. Khi đạt đến một quy mô nhất định, chúng tôi sẽ bắt đầu nghĩ đến M&A các công ty cùng ngành và tìm kiếm các công ty đối tác địa phương để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Lúc này công ty sẽ bước vào một giai đoạn mới. Trong những năm gần đây, số lượng khách hàng giống như vậy đã tăng lên.
―― Năm 2011 ký kết góp vốn đầu tư với Vietcombank, một ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.
Wada: Tại Việt Nam, bên cạnh ngân hàng Nhật Bản còn có các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài như: ngân hàng các nước Âu Mỹ, ngân hàng Hàn Quốc, ngân hàng Đài Loan.v.v, ngân hàng nào sau khi vào Việt Nam cũng chủ yếu giao dịch với các công ty của nước đó. Do đó, hiếm khi cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hay các cá nhân trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng, thị trường mở rộng. Những khách hàng này chủ yếu làm việc với các ngân hàng địa phương tại Việt Nam.
Một trong những mục đích của việc góp vốn kinh doanh với Vietcombank là bổ sung và hoàn thiện các dịch vụ hướng đến lĩnh vực bán lẻ này (DNVVN, cá nhân, v.v.). Các giao dịch mà ngân hàng nước ngoài không thể thực hiện được như: mở tài khoản ngân hàng cho các nhân viên công ty Nhật Bản hoặc phát hành thẻ tín dụng.v.v, sẽ thực hiện được nếu hợp tác với một ngân hàng địa phương.
Ngân hàng Mizuho có khoảng 330 nhân viên trên khắp Việt Nam và 6 người được điều chuyển đến Vietcombank. Ngoài ra, chúng tôi cùng Vietcombank có mối quan hệ rất thân thiết, ban lãnh đạo cấp cao thường xuyên liên hệ với nhau và thảo luận chiến lược để tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam cũng như hỗ trợ về mặt tài chính để phát triển nền kinh tế Việt Nam.
―― Năm 2021 đã mua lại cổ phần của M-Service.
Wada: Vietcombank là đối tác với tư cách là một ngân hàng thương mại, nhưng có thể nói M-Service là đối tác có ngành nghề khác với lĩnh vực tài chính. Như các bạn đã biết, M-Service vận hành “MoMo”- một ứng dụng thanh toán điện tử dành cho điện thoại thông minh và là công ty hàng đầu với hơn 50% thị phần thanh toán không tiếp xúc cá nhân tại Việt Nam.
Ở Nhật Bản, khắp cả nước đều có ngân hàng và bưu điện, mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ tài chính như nhau, điều này rất hiếm trên thế giới. Có rất nhiều thị trấn và làng xã không có ngân hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở những khu vực này, các ứng dụng thanh toán di động đã bắt đầu thay thế các dịch vụ ngân hàng.
Như vậy, không phải sự thuận tiện về vị trí và số lượng ngân hàng được đánh giá cao mà nhu cầu sẽ thay đổi dựa trên sự tiện lợi, dễ sử dụng của ứng dụng thanh toán,v.v.
Kiếm tiền bằng các nền tảng tài chính như MoMo sẽ tiếp tục là một lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn, nhưng tiếc là chúng tôi không có nhiều kỹ năng và kiến thức về các lĩnh vực kinh doanh như vậy, vì thế chúng tôi nghĩ khó có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ hấp dẫn nếu chỉ tự công ty đơn độc tiếp thu những biến hóa lớn của xã hội. Chúng tôi đang học hỏi rất nhiều điều từ M-Service với tư cách là một platformer.
M-Service kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của các công ty bằng cách tận dụng tối đa các bí quyết tài chính được trau dồi không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn cầu. Các công ty khởi nghiệp thường thiếu kỹ năng tài chính như: sản phẩm, hệ thống IT.v.v, chúng tôi nghĩ rằng họ mong muốn trở thành đối tác với các ngân hàng có vốn nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm.
Hỗ trợ thúc đẩy ESG
―― Ông cảm thấy thế nào về tương lai của ngành ngân hàng Việt Nam?
Wada: Tôi cảm thấy điểm tốt đó là chính sách bảo hộ của chính phủ, giống Nhật Bản trước đây. Nhà nước và tư nhân phối hợp với nhau để kiểm soát, quản lý và vận hành thị trường tài chính và hiện đang hoạt động tốt. Lãi suất đối với đồng tiền trong nước cũng ở mức cao hơn so với các nước khác và lạm phát ở một mức độ nhất định đã được duy trì trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, ngân hàng, theo một nghĩa nào đó, là một ngành được quản lý với một mức độ trật tự nhất định và sự an tâm trong các nghiệp vụ đã có của ngân hàng.
Mặt khác, do nền kinh tế ngày càng phát triển, đôi khi chúng ta cảm thấy thử thách để thay đổi là chưa đủ. Tôi cũng đã làm việc ở Bangkok, nhưng so sánh với Thái Lan, tôi có ấn tượng mạnh rằng Việt Nam thận trọng hơn trong việc thu hút các công ty nước ngoài, kêu gọi đầu tư và nới lỏng các quy định.
―― Ông muốn làm gì từ bây giờ?
Wada: Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ kinh doanh cho các công ty Nhật Bản, nâng cấp dịch vụ để giúp Việt Nam và khách hàng của chúng tôi ngày càng phát triển. Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch gia tăng và mở rộng đối tượng khách hàng trong tương lai, chú ý đến đến đối tượng khách hàng không phải là các công ty Nhật Bản có ý muốn đầu tư và mở rộng việc kinh doanh cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Hơn nữa, Mizuho Bank có kiến thức và kinh nghiệm không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới nên sẽ hướng tới mục tiêu truyền bá kiến thức và bí quyết đã được trau dồi cho Việt Nam, phát huy khả năng dẫn dắt để phát triển ngành tài chính Việt Nam.
Một trong số đó là thực hiện ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp), một trong các cách thức để đạt được SDGs (Các mục tiêu phát triển bền vững).
Ví dụ, khi huy động vốn, chúng tôi sẽ đề xuất phát hành trái phiếu như: khoản vay ESG và trái phiếu xanh. Trái phiếu này có đặc trưng là được sử dụng cho các dự án cải thiện môi trường hiệu quả, giúp đầu tư hơn nữa vào các công ty đang áp dụng ESG.
Các công ty hàng đầu thế giới đã chính thức bắt đầu các hoạt động môi trường. Việt Nam có vai trò chính là nhà máy sản xuất OEM trên thế giới, và nếu các công ty đặt hàng tập trung vào các tiêu chuẩn môi trường như các biện pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu và năng lượng tái tạo, thì các công ty ở Việt Nam bắt buộc phải xem xét việc tuân thủ ESG.
Thời điểm này vẫn còn là thời kỳ sơ khai, chúng tôi dự định sẽ xúc tiến trước chủ đề ESG với tư cách là một tổ chức tài chính. Việt Nam có môi trường tự nhiên phong phú như rừng, nguồn nước.v.v, chúng tôi tin rằng ESG sẽ mang lại lợi ích cho xã hội Việt Nam.