Văn phòng Hồ Chí Minh của JETRO (Japan External Trade Organization-Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản) chịu trách nhiệm hỗ trợ trong và sau xúc tiến thương mại cho các công ty Nhật Bản vào miền Nam Việt Nam. Chúng tôi đã phỏng vấn Trưởng văn phòng đại diện Nobuyuki Matsumoto về các hoạt động của văn phòng, suy nghĩ của ông về các công ty Nhật Bản tại khu vực này và những ngành nghề có thể mong đợi trong tương lai.
Tổng hợp nhiều phương pháp hỗ trợ
―― Hãy cho chúng tôi biết về hoạt động của JETRO Hồ Chí Minh.
Matsumoto:Hoạt động chính của chúng tôi là giúp đỡ các công ty Nhật Bản xúc tiến thương mại sang miền Nam Việt Nam, bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như hỗ trợ các công ty Nhật Bản đã mở rộng kinh doanh sang khu vực này. Việt Nam là một trong những quốc gia được các công ty Nhật Bản quan tâm nhất nên tôi thấy rất hứng thú trong công việc.
Theo khảo sát của JETRO về các công ty Nhật Bản, Trung Quốc là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất cho đến năm 2020. Tuy nhiên, sau khi trải qua những hạn chế hoạt động khi đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, có lẽ các công ty đã nghĩ rằng sẽ rất rủi ro nếu chỉ dựa vào Trung Quốc, từ kết quả khảo sát năm 2021 và 2022 cho thấy Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ hai, sau vị trí thứ 1 của Mỹ.
Mặc dù lượng đầu tư vào Việt Nam hiện đang giảm do các yếu tố như lạm phát, đồng Yên yếu và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng số lượng yêu cầu xúc tiến thương mại sang Việt Nam vẫn ngày càng tăng. Do tình hình phức tạp nên tôi nghĩ nhiều công ty đang theo dõi và thu thập thông tin.
Ngoài ra, có những rủi ro không nhìn thấy được như thủ tục hành chính không rõ ràng.v.v., được phát hiện ra sau khi tham gia thị trường. Trong trường hợp này, chúng tôi cũng tư vấn về các hoạt động kinh doanh tổng thể, chẳng hạn như giới thiệu người của các cơ quan liên quan thuộc tỉnh, thành phố. Vấn đề cũng có thể được đưa ra trong chương trình hội nghị bàn tròn của JCCH, có nghĩa là có nhiều cách thức để giải quyết.
―― Ngoài ra còn có những hoạt động nào khác không?
Matsumoto:Chúng tôi cũng tiến hành các cuộc khảo sát về kinh tế, thương mại, đầu tư, v.v. của miền Nam Việt Nam. Chúng tôi mong muốn nội dung phù hợp nhất có thể với nhu cầu của các công ty Nhật Bản.
Chẳng hạn, mặc dù nền kinh tế Việt Nam được cho là đã chạm đáy nhưng vẫn không ít công ty Nhật Bản vẫn đang chật vật kinh doanh. Có thể bị trụ sở chính tại Nhật Bản nói những lời như “nền kinh tế đang hồi phục vậy mà doanh thu lại thấp”. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một hoạt động quan trọng để truyền tải tiếng nói từ hiện trường, điều không nhìn thấy được từ những dữ liệu thống kê đơn thuần.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 năm nay là 5,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng động lực thúc đẩy là ngành dịch vụ (6,2%), trong đó tập trung vào khách sạn, ẩm thực, văn hóa, du lịch, giải trí,v.v. lĩnh vực mà các công ty Nhật Bản không tham gia nhiều. Trong hoàn cảnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta không thể cảm nhận được sự phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tập trung vào việc kết nối kinh doanh với các công ty Việt Nam. Đặc biệt trong ngành sản xuất, tỉ lệ cung ứng linh kiện, nguyên liệu, v.v. trong nước thấp nên khó gặp được doanh nghiệp Việt ưu tú. Vì vậy, chúng tôi đã lập danh sách các nhà cung cấp của các công ty tốt và đang tiếp tục cập nhật, sửa đổi danh sách này.
Hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), chúng tôi định kỳ tổ chức các buổi toạ đàm kinh doanh về triển lãm cung ứng linh kiện. Đây là nơi các nhà sản xuất của Nhật Bản và Việt Nam có thể gặp mặt trực tiếp, đôi khi được tổ chức kết hợp với các triển lãm quy mô lớn.
Trước đây, hầu hết sản phẩm đều được gia công và xuất khẩu nhưng những năm gần đây, thị trường trong nước ngày càng phát triển và ngày càng nhiều công ty Nhật Bản tìm đến hợp tác với các công ty Việt Nam để tạo kênh thương mại nội địa. Điều này không chỉ áp dụng cho ngành sản xuất mà còn cho cả ngành dịch vụ.
Cũng là cơ hội cho chế biến thủy sản
―― Ông đánh giá thế nào về các công ty Việt Nam?
Matsumoto:Mặc dù năng suất lao động còn thấp và chất lượng sản phẩm nhìn chung chưa cao nhưng tôi vẫn thường nghe nói rằng “có khả năng tiếp thu cao trong đào tạo”. Thực tế, có rất nhiều người ưu tú, và cũng có nhiều kỹ sư hàng đầu. Điều này có nghĩa là có rất nhiều dư địa cho sự tăng trưởng.
Về việc tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao, chúng tôi hỗ trợ sự hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và các tổ chức giáo dục chẳng hạn như các trường đại học Việt Nam. Các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm những người có kinh nghiệm có thể làm việc ngay, nhưng trong những năm gần đây họ cũng tuyển dụng cả sinh viên mới tốt nghiệp. Chúng tôi giới thiệu các trường đại học thực tiễn cho các công ty, cũng có trường hợp nhờ các công ty tặng máy móc, thiết bị không sử dụng nữa cho các trường đại học để đào tạo sinh viên. Chúng tôi cũng tổ chức hội chợ việc làm (Job Fair) nhằm kết nối Nhật Bản và các công ty Nhật Bản với sinh viên Việt Nam và người đã đi làm.
Tôi cảm thấy Việt Nam có thể là đối tác tốt về mặt nguồn nhân lực, nhưng tôi lo ngại sự hiện diện của Nhật Bản đang dần suy giảm.
Có thể là do sự nỗ lực và sức hấp dẫn của các nước khác, còn một nguyên nhân nữa tôi nghĩ đến là người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ít tiếp xúc với các sản phẩm Nhật Bản như: điện thoại thông minh, tivi, máy tính, đồ gia dụng,v.v. Tôi muốn quảng bá hơn nữa những công nghệ và dịch vụ của Nhật Bản đang được sử dụng ở những nơi không được nhìn thấy.
―― Ông nghĩ ngành nghề kinh doanh nào sẽ phát triển trong tương lai?
Matsumoto:Nếu chú ý đến việc mở rộng thị trường nội địa, tôi nghĩ rằng nhu cầu về các sản phẩm Nhật Bản chất lượng cao, an toàn và đáng tin cậy sẽ tăng lên. Mặc dù không hoàn toàn còn quá nhiều dư địa nhưng ngành có tiềm năng là ngành thực phẩm và JETRO cũng đang nỗ lực tăng xuất khẩu từ Nhật Bản.
Gần đây số lượng nhà hàng Nhật Bản đắt tiền ngày càng gia tăng ở các khu vực thành thị, việc người Việt Nam đến ăn ở đó không phải là hiếm. Họ trả tiền vì họ tin vào giá trị của hương vị, nguyên liệu, độ an toàn, v.v. Đối với xuất khẩu cũng vậy, mặc dù rào cản (về giá cả) cao, nhưng nếu không để sản phẩm được biết đến trước thì khách hàng sẽ không mua.
Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc triển lãm và các buổi tọa đàm thương mại, nơi chúng tôi không chỉ mời người tiêu dùng ăn thử mà còn giới thiệu cho người mua về thực phẩm Nhật Bản và mời họ đến Nhật Bản để thu hút sự quan tâm của họ.
Trong ngành sản xuất, ngoài lắp ráp linh kiện điện thoại còn có may mặc, dệt may, chế biến gỗ, da.v.v, chủ yếu sử dụng nhiều lao động để gia công, lắp ráp. Đây cũng là những ngành xuất khẩu, đơn hàng hiện đang trì trệ, nhưng do vị trí địa lý của Việt Nam và chính sách ngoại giao toàn diện của Chính phủ, tôi nghĩ Việt Nam có thể trở thành trung tâm kiểm soát châu Á.
Điều này có nghĩa là sản xuất sản phẩm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác và thành lập cơ sở tại Việt Nam để quản lý chung. Tôi tin rằng nếu chúng ta sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ mở rộng và các công ty Việt Nam nổi trội sẽ xuất hiện.
―― Còn ngành nào khác có tiềm lực nữa không?
Matsumoto:Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nhật Bản nhưng nước này đã ngừng nhập khẩu hoàn toàn (tại thời điểm phỏng vấn). Doanh nghiệp thủy sản đang tìm kiếm kênh bán hàng nhưng liệu có tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam chăng?
Ngoài việc được sử dụng làm thực phẩm, thủy sản còn được xuất khẩu sang Trung Quốc với mục đích gia công chế biến tại Trung Quốc và xuất khẩu sang các nước khác như Mỹ,v.v. Thay vào đó, họ xuất khẩu sang Việt Nam cho các công ty Việt Nam gia công sản xuất, sau đó xuất khẩu sản phẩm gia công. Tôi nghĩ các công ty Nhật Bản xúc tiến thương mại trong bước kế tiếp cũng tốt.
Lúc đầu tôi có đề cập đến việc số lượng công ty Nhật Bản coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đã tăng lên nhanh chóng do rủi ro Trung Quốc (China risk). Mặc dù cần nhiều thời gian để bắt đầu kinh doanh ngành gia công chế biến thủy sản nhưng có thể tránh được những rủi ro ở hiện tại và cả trong tương lai. Cũng có thể chia ra, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì có nhà máy ở Trung Quốc phụ trách, xuất khẩu sang nơi khác, có nhà máy ở Việt Nam phụ trách.
Tôi đã có khoảng thời gian rất vui khi làm việc ở Jakarta và đã hy vọng nếu có cơ hội khác, tôi muốn chọn Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao tôi rất hạnh phúc khi quyết định đến Việt Nam và tôi đang suy nghĩ đến nhiều tiềm năng.
Mặc dù hiện tại mọi thứ có chút giảm sút nhưng mọi người đều nhận thấy tương lai tươi sáng cũng như tiềm năng của Việt Nam và tôi không nghĩ sự quan tâm của Nhật Bản sẽ giảm đi trong tương lai.