ベトナムビジネスならLAI VIENにお任せください!入国許可、労働許可証、法人設立、現地調査、工業団地紹介などあらゆる業務に対応します!お気軽にご相談ください!

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo Vol.63
PwC (VIETNAM)

PwC (PricewaterhouseCoopers) là một trong bốn công ty kế toán lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, PwC Việt Nam được thành lập vào năm 1994 và bộ phận Japan Desk có tới 250 khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản. Hãy cùng trò chuyện cùng Giám đốc Shimpei Imai.

 bốn ngành dịch vụ lớn

―― Tôi nghĩ rằng các công ty tư vấn tổng hợp cung cấp rất nhiều loại dịch vụ. Hãy cho biết về nội dung nghiệp vụ của ông tại Việt Nam.

Imai:Công ty chúng tôi có bốn ngành dịch vụ lớn: “Tax-Legal” (Thuế – Pháp lý), “Assurance” (Các dịch vụ bảo đảm), “Consulting” (Tư vấn hoạt động) và “Deal” (Tư vấn thương vụ).

Ngoại trừ “Tax-Legal” thì những thuật ngữ còn lại có thể mọi người không quen thuộc lắm nên tôi sẽ giải thích đơn giản: “Assurance” chủ yếu là hỗ trợ kiểm soát nội bộ bao gồm kiểm toán và an ninh mạng (cyber security), “Consulting” là tư vấn cho doanh nghiệp triển khai hệ thống IT như ERP,v.v., cải tiến các quy trình kinh doanh, điều tra, phòng chống gian lận,v.v. “Deal” chủ yếu là M&A (các thương vụ mua bán, sáp nhập).

Mỗi ngành dịch vụ lớn sẽ chia thành các nội dung công việc chi tiểt, về thuế thì sẽ tư vấn nhiều loại thuế khác nhau, hỗ trợ chuyển giá, thẩm định thuế (điều tra rủi ro / giá trị đối tượng đầu tư của doanh nghiệp), hỗ trợ thuế hải quan, về pháp lý thì hỗ trợ xin các loại giấy phép, hỗ trợ lao động, nhân sự bao gồm các vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân,v.v., tương ứng với các dự án khác nhau sẽ do các chuyên gia khác nhau xử lý.

Bởi vì các công ty tư vấn như chúng tôi cung cấp dịch vụ là con người, nên ứng với mảng dịch vụ nào sẽ bố trí nhân viên ưu tú đến mức độ nào là chìa khóa quan trọng.

Khi mới vào công ty, tôi đã làm việc ở bộ phận dịch vụ Tax-Legal với tư cách là Manager phụ trách về chuyển giá trong 2 năm, từ sau đó thì phụ trách Japan Desk cho đến nay. Tại Japan Desk, chúng tôi phối hợp với các chuyên gia xử lý tất cả các dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản.

​―― Các doanh nghiệp Nhật Bản thường có những loại dự án nào?

Imai:Phần lớn khách hàng của chúng tôi là các công ty lớn, chủ yếu là các nhà sản xuất, ở chi nhánh Hà Nội có khoảng 100 khách hàng, tại trụ sở Hồ Chí Minh có khoảng 150 khách hàng. Nếu tính theo quốc gia thì Japan Desk chiếm vị trí hàng đầu ở PwC Việt Nam.

Tôi sẽ giới thiệu một ví dụ trong một ngành dịch vụ tiêu biểu của chúng tôi, có hai loại dự án thường gặp trong Tax-Legal, một là liên quan đến kiểm toán thuế. Chúng tôi sẽ trao đổi ý kiến và đặt câu hỏi khi điều tra thuế, sau đó đưa ra lời khuyên, trường hợp không đồng ý với kết quả điều tra, có thể khiếu nại.

Bởi vì việc khiếu nại tốn thời gian và chi phí nên tốt nhất là tìm được sự đồng thuận ở giai đoạn đang điều tra thuế. Tuy nhiên, một số khách hàng có thể khiếu nại do chủ ý của trụ sở chính Nhật Bản hay cần thiết để giải trình trong nội bộ công ty hoặc để làm đối sách đánh thuế cho những năm tiếp theo chẳng hạn.

Một ví dụ khác là chúng tôi có nhiều khách hàng trong ngành sản xuất, vì vậy chúng tôi trao đổi ý kiến với họ về việc xác nhận và xem xét các luật và quy định khác nhau cũng như ưu đãi thuế khi thành lập hoặc mở rộng nhà máy.

Về ưu đãi thuế, các luật và quy định thường phức tạp, khó đánh giá, đồng thời dễ xảy ra bất đồng với cơ quan thuế trong quá trình thanh tra thuế ở những năm tiếp theo nên thường phải tham vấn trước. Đối với các công ty lớn, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax) dự kiến sẽ được áp dụng vào năm tới.

Dịch vụ điều tra gian lận và M&A cũng ngày càng gia tăng

―― Xin vui lòng cho thêm ví dụ về các ngành dịch vụ khác.

Imai:Về “Consulting”, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến điều tra và ngăn chặn gian lận. Gian lận đề cập đến các trường hợp như tặng phẩm, tiền bạc hoặc lợi ích bất hợp pháp được đưa hoặc nhận từ khách hàng, thường được phát hiện khi một nhân viên hoặc người khác có liên quan thông tin cho công ty.

Nếu công ty không hành động ngay sau khi nhận được thông tin sẽ làm thất vọng những nhân viên có thiện chí đã mạo hiểm báo cáo việc đó và hệ thống báo cáo sẽ trở nên vô nghĩa, làm tăng rủi ro cho công ty. Ngoài ra, thông tin được báo cáo có thể không nhất thiết phải chính xác hay những người tố cáo khác có thể liên lạc cùng nội dung hoặc báo cáo với nội dung khác, vì thế tôi nghĩ khách hàng đã yêu cầu điều tra để xem xét những điều này.

Tuy nhiên, qua kết quả điều tra có thể tìm ra một số bằng chứng chứng minh gian lận, nhưng do thủ phạm lừa đảo cố gắng che giấu triệt để bằng chứng nên có những lúc chúng tôi không có đủ tài liệu để tuyên bố dứt khoát rằng đó là gian lận.

Vì vậy, khi phát hiện gian lận sẽ có nhiều đối sách khác nhau. Nếu thiệt hại gây ra nhỏ và đóng góp của người đó lớn, có thể chỉ cần ngăn chặn hành vi gian lận trong tương lai, hoặc nếu thiệt hại lớn, có thể yêu cầu người đó tự nguyện nghỉ việc.

Về những vị trí có khả năng xảy ra gian lận, chẳng hạn như người phụ trách mua hàng, tôi cũng nghe nói có trường hợp ngay cả những nhân viên đáng tin cậy, có kinh nghiệm được lựa chọn, họ vẫn phạm tội gian lận khi được đặt vào môi trường đó. Điều quan trọng là phải có các quy tắc và biện pháp kiểm tra để đề phòng và ngăn chặn gian lận.

​―― Về Deal thì có các dự án nào?

Imai:Tại Japan Desk, chúng tôi nhận được ngày càng nhiều câu hỏi kể từ khi kết thúc dịch Covid-19 liên quan đến việc hỗ trợ mua lại (M&A) các công ty của Việt Nam hay đầu tư chung với các công ty của Việt Nam từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhìn chung, vì dân số và thu nhập ngày càng tăng, các M&A có mục tiêu hướng tới người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng. Về nhóm ngành, ngoài tài chính và chăm sóc sức khỏe còn có các thương vụ mua lại, liên kết với các công ty có kênh bán sản phẩm, dịch vụ của Nhật Bản tại Việt Nam như hàng tiêu dùng,v.v.

Thị trường bất động sản đã chậm lại một chút do suy thoái bất động sản kể từ năm ngoái, nhưng M&A bất động sản vẫn tiếp tục diễn ra, với các công ty mua lại quyền sở hữu đất và lên kế hoạch xây dựng trung tâm mua sắm và chung cư.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tuyên bố trung hòa carbon vào năm 2050 nên tôi có ấn tượng là có nhiều thương vụ M&A trong các doanh nghiệp năng lượng xanh như sản xuất điện mặt trời, sản xuất điện gió.

Chúng tôi có các nhóm chuyên trách xử lý các nhu cầu khác nhau liên quan đến M&A, nhóm tìm nguồn cung ứng và khởi tạo kết nối người mua với các công ty Việt Nam muốn được đầu tư vốn (dự án bán), nhóm thực hiện tiến hành thẩm định và định giá cũng như tối ưu hóa sự phối hợp kinh doanh sau M&A (PMI:Post Merger Integration).

Có rất nhiều điểm cần cân nhắc khi nói đến M&A và cần có chuyên môn trong từng lĩnh vực, tôi cảm thấy rằng công ty chúng tôi có vai trò lớn trong việc phân bố lực lượng chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

​―― Hãy chia sẻ về dự định và các kế hoạch tương lai của ông.

Imai:Khi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam, chúng tôi cũng mong muốn hỗ trợ họ bằng cách tận dụng tối đa kiến thức chuyên môn của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bản thân tôi rất biết ơn môi trường mà tôi có thể tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực thuế quốc tế mà tôi đã trau dồi ở Nhật Bản và tôi mong muốn có được những khám phá lớn hơn nữa trong tương lai.

PwC Việt Nam có khoảng 1.100 nhân viên Việt Nam và nước ngoài, trong đó có 3 nhân viên người Nhật bao gồm cả tôi, nhưng chúng tôi có kế hoạch mở rộng nhân sự bằng cách phái cử nhân viên từ PwC Nhật Bản đến và tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam.

Tôi nghĩ tuy ở Việt Nam vẫn còn nhiều quy định chưa rõ ràng nhưng tôi muốn tiếp tục làm việc vì các doanh nghiệp Nhật Bản tại đây.

​Shimpei Imai
Sau khi tốt nghiệp đại học, làm việc tại một công ty kiểm toán có vốn nước ngoài, năm 2007 du học lấy bằng MBA tại Anh. Năm 2009, bắt đầu làm việc cho một công ty thương mại tổng hợp ngành dầu mỏ tại London. Sau đó, làm việc cho một công ty kế toán thuế lớn của Nhật Bản và được bổ nhiệm đến TP.HCM trong 2 năm, kể từ năm 2013. Sau khi kết thúc thời hạn công tác, gia nhập PwC Việt Nam vào tháng 1 năm 2016.